Cơ quan thuế đã làm việc nhiều lần với đại diện Uber B.V (Công ty Internationnal Holdings BV, có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan), thế nhưng suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, Nhà nước vẫn chưa thu được một đồng tiền thuế nào từ đơn vị này. Vì sao lại có tình trạng này?
Ngay sau khi công văn 2529 hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber B.V tại Việt Nam được Tổng cục Thuế ban hành, nhiều ý kiến đã cho rằng việc xác định ngành nghề của Uber chưa hợp lý và trách nhiệm nộp thuế cũng chưa rõ ràng. Chính điều này dẫn tới việc Uber "né" thuế bằng nhiều cách trong suốt thời gian qua.
Uber B.V đang lách luật
Ngay từ khâu ký kết hợp đồng và thực tế thực hiện của Uber B.V, nhiều ý kiến đã cho rằng đơn vị này hoạt động thiếu rõ ràng, nửa nọ nửa kia, khó xác định ngành nghề để tính thuế của doanh nghiệp này.
Cụ thể, nếu theo như văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế xác định ngành nghề kinh doanh của Uber là sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải. Tức là Uber chỉ đứng ở vai trò kết nối, cung cấp công nghệ còn tài xế sử dụng xe của mình để kinh doanh, chứ Uber không phải là đơn vị vận tải.
Cũng theo văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế giao cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập foanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu.
Theo đó, tài xế lái xe Uber sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ thuế cho Uber. Khi tài xế nhận tiền và chuyển trả 20% theo tỉ lệ ăn chia, trách nhiệm kê khai sẽ thuộc về tài xế ở Việt Nam và các tài xế này sẽ phải nộp thuế nhà thầu cho 20% đó của Uber.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khi Uber B.V ký hợp đồng cung cấp công nghệ, thay vì nhận được 20% tiền do đối tác Việt Nam chia lại thì Uber B.V nhận luôn 100% tiền cước (do khách hàng quẹt thẻ khi thanh toán) rồi sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho đối tác ở Việt Nam.
Mà theo quy định của luật hiện hành, bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập, bên đó có trách nhiệm phải kê khai khấu trừ thuế và nộp lại cho cơ quan thuế. Như vậy rõ ràng trách nhiệm kê khai nộp thuế phải thuộc về Uber B.V chứ không thể giao cho các tài xế.
Chính việc ký kết hợp đồng và thực tế thực hiện của Uber B.V thiếu rõ ràng, nửa nọ nửa kia nên dẫn đến việc khó xác định mức thuế cần áp với doanh nghiệp này. Bởi nếu xác định Uber chỉ hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ, thì doanh nghiệp này chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu. Còn nếu là đơn vị vận tải, thì Uber sẽ phải đóng đủ 100% thuế, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (2% doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp) và thuế giá trị gia tăng (3% trên doanh thu tính thuế giá trị gia tăng).
Cục Thuế sẽ cương quyết với Uber B.V
Đúng là Uber có mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng việc không tuân thủ theo pháp luật về thuế Việt Nam đã dẫn đến sự không công bằng cho các doanh nghiệp vận tải khác ở Việt Nam.
Theo quy định, Uber B.V phải trực tiếp kê khai, hoặc thông qua một hoặc tổ chức, hoặc cá nhân Việt Nam để tiến hành kê khai, nộp thuế. Việc từ chối thanh toán các khoản thuế đã phát sinh theo thời hạn trên và tiếp tục không kê khai và nộp thuế tại Việt Nam được xem là hành vi cố tình không tuân thủ (phạm pháp) luật pháp Việt Nam.
Lấy một ví dụ về một doanh nghiệp đang kinh doanh loại hình tương tự đó là Grab. Một vị lãnh đạo Chi cục Thuế Q.10 (TP.HCM), địa bàn mà Grab cho biết công ty này cũng ký hợp đồng hợp tác với các hợp tác xã và các cá nhân, nộp thuế thông qua các tổ chức. Hiện, cơ quan thuế đang thu thuế với các tài xế Grab theo dạng hộ khoán với mức 4,5% trên doanh số.
Cũng theo vị này, cơ quan thuế đang thu thuế với các tài xế Grab theo dạng hộ khoán với mức 4,5% trên doanh số. Về phía Grab, cách thức thu tiền của doanh nghiệp này cũng khác với Uber. Theo đó, tiền cước sẽ do các tài xế thu sau đó trích lại 20% cho phía công ty và công ty có khai nộp thuế cho doanh số mà mình nhận được.
Việc Uber B.V lách luật đang khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải lo ngại bởi các hãng taxi truyền thống đang phải nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế và thực hiện nhiều điều kiện về quy định kinh doanh taxi (lái xe phải khám sức khỏe 2 lần/năm, kiểm định đồng hồ tính cước 1 lần/năm, phí kiểm định đồng hồ tính cước khi điều chỉnh giá cước, đóng bảo hiểm y tế, xã hội cho lái xe và bảo hiểm cho hành khách… Trong khi đó, taxi Uber lại không phải chịu các loại phí trên và không nộp thuế. Việc lách luật trốn thuế đã giúp Uber đưa ra mắc giá cước thấp để tranh giành khách hàng tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng tại Việt Nam.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM khẳng định: Cơ quan thuế sẽ không dừng lại mà tiếp tục bàn bạc, phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra các giải pháp, kiên quyết thu thuế với Uber.
Trước mắt, qua danh sách mà Tổng cục Thuế cung cấp thì Cục Thuế TP HCM đã có tên của các công ty, doanh nghiệp liên kết với Uber về đầu xe hoạt động. Danh sách này đã chuyển cho các quận huyện để thu thuế, tất nhiên là chỉ tính trên phần doanh nghiệp Việt Nam được hưởng.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, cơ quan thuế cũng sẽ quan tâm đến các hộ gia đình, cá nhân vì đây cũng là đối tượng liên kết với Uber. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng để nắm nguồn tiền vào ra của các tài khoản liên quan đến Uber.
Ông Trần Ngọc Tâm – Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cũng cho biết, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang tổ chức một đoàn khảo sát và dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ vào làm việc với Uber. Ông Tâm cho rằng việc quan trọng là cần xác định được cơ sở pháp lý chi phối để có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.