Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ. Nội dung dự thảo luật có 8 chương, 80 điều luật; giảm 2 chương và 7 điều so với Luật Đường sắt 2017 (giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 7 điều và bãi bỏ 12 điều).
Tại dự thảo, mục "Tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt" được quy định tại chương V, gồm 13 điều (từ Điều 43 đến Điều 55). Nội dung chương này kế thừa, giữ nguyên các quy định của Luật Đường sắt 2017 về: xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt; trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng Công an.
Bên cạnh đó, so với Luật Đường sắt 2017, dự thảo chương này cũng có một số điểm mới: sửa đổi, bổ sung nội dung quy tắc giao thông đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể trong việc triển khai thực hiện cho phù hợp với từng loại hình đường sắt; quy định về người tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, cầu có mặt cầu đường sắt dùng chung với đường bộ phải thực hiện theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động bảo đảm trật tự, ATGT vận tải đường sắt, điều hành giao thông vận tải đường sắt cho phù hợp với thực tế và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Trật tự, ATGT đường bộ...; bổ sung quy định về tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu, biểu đồ chạy tàu cho phù hợp với từng loại hình đường sắt như: đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.
Bổ sung quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (trên cơ sở kế thừa từ Điều 77, Điều 82 Luật Đường sắt 2017); đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống và hệ thống quản lý an toàn vận hành đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Cụ thể hơn, một số quy định sửa đổi, bổ sung đáng chú ý: Việc công bố tải trọng, công lệnh tốc độ đường sắt do cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện (thay vì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt). Bộ trưởng Bộ GTVT quy định trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng (không còn quy định UBND cấp tỉnh quy định đối với đường sắt đô thị).
Nổi bật nhất, so với luật hiện hành, dự thảo luật (Điều 50) không còn quy định cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị trước khi đưa vào khai thác vận hành; mà chỉ quy định đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống (do tổ chức tư vấn đánh giá độc lập thực hiện). Quy định trên cũng áp dụng với dự án đường sắt tốc độ cao xây dựng mới hoặc nâng cấp (như quy định hiện hành).
Lý giải việc sửa đổi, bổ sung trên, theo Ban soạn thảo, việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống của dự án đường sắt đô thị khi xây dựng mới là một gói thầu riêng do chủ đầu tư ký với đơn vị tư vấn. Đơn vị tư vấn có trách nhiệm đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của UBND cấp tỉnh. Kết thúc quá trình đánh giá, chủ đầu tư có trách nhiệm nghiệm thu gói thầu theo quy định của pháp luật, trong đó, việc thẩm định hồ sơ gói thầu đã bao gồm trong công tác nghiệm thu. Vì vậy, quy định riêng việc thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ là trùng lặp và không cần thiết.
Chương V: "Tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt", gồm 13 điều (từ Điều 43 đến Điều 55).
Quy định về: Tín hiệu giao thông đường sắt (Điều 43); quy tắc giao thông đường sắt (Điều 44); giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm (Điều 45); hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt (Điều 46); điều hành giao thông vận tải đường sắt (Điều 47); tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu (Điều 48); biểu đồ chạy tàu (Điều 49); đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị (Điều 50); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt (Điều 51);
Xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt (Điều 52); trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt (Điều 53); trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng Công an (Điều 54); trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của Ủy ban nhân dân nơi có đường sắt đi qua (Điều 55).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.