Trạm BOT Ql3 được chủ đầu tư dựng lên nằm tọa lạc ở xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. |
“Làm đường một nơi, thu phí một nẻo”
Sáng ngày 14/3, có mặt tại Ql 3 đoạn qua địa phận xã Cẩm Sơn, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, cách ngã rẽ vào đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới chừng 4km là một công trường xây dựng với hàng trăm công nhân và máy móc miệt mài thi công. Công trường này đang khẩn trương hoàn thành các hạ mục như nhà điều hành và tiến hành việc lắp đặt trạm thu phí của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới. Và theo kế hoạch thì chỉ trong khoảng đầu tháng 4 tới đây, trạm thu phí này chính thức đưa vào sử dụng với mức phí thấp nhất dành cho ô tô đi qua trạm là 35.000 đồng/lượt và mức cao nhất là 200 nghìn đồng/lượt đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe công-ten-nơ 40 feet.
Theo như công bố dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65km. Trong đó, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài gần 40km. Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4), Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư trên 2.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin mà PV nắm được thì trong tổng số 2.700 tỉ đồng chỉ có 87 tỉ dành cho việc nâng cấp, cải tạo 7km trên 25km đường QL3 và thay mới biển cảnh báo số km còn lại.
Như vậy một đường dài 40km được đầu tư xây mới hoàn toàn với số tiền khoảng 2.600 tỉ đồng và một đoạn đường dài 25km (chỉ nâng cấp, cải tạo) với số tiền bỏ ra chỉ 87 tỉ đồng, nhưng sẽ cùng đi vào hoạt động và có mức thu ngang nhau.
Phải khẳng định rằng, việc nhà đầu tư tiến hành thu phí thử nghiệm tại trạm BOT cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới là hoàn toàn hợp pháp và không có gì phải bàn cãi. Bởi, đây là đoạn đường được đầu tư theo hình thức BOT – tức là đầu tư – kinh doanh và chuyển giao. Nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng, sau đó tiến hành thu phí để hoàn lại nguồn vốn đã bỏ ra. Sau khoảng thời gian nhất định, nhà đầu tư hoàn vốn và sẽ chuyển giao tuyến đường đó cho Nhà nước.
Vấn đề nằm ở chỗ cách BOT Thái Nguyên – Chợ Mới khoảng 4km hiện chủ đầu tư đang tiếp tục cho xây dựng một trạm thu phí khác với mức thu tương đương với tuyến đường cao tốc. Mức thu được áp dụng theo thông tư số 175/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 của Bộ Tài chính:
Cụ thể, mức phí thấp nhất 35 nghìn đồng/lượt (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng); cao nhất 200 nghìn đồng/lượt đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe công-ten-nơ 40 feet, tương tự các trạm thu phí BOT khác.
Theo kế hoạch, Quý II/2017, sau khi hoàn thiện hạng mục trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3, chủ đầu tư sẽ tiến hành thu phí ở 2 tuyến. |
Điều này đồng nghĩa với việc, khi cả 2 trạm đi vào hoạt động, người dân lưu thông trên QL3 theo hướng Bắc Kạn hay Tuyên Quang, dù không đi một mét cao tốc nào vẫn bị trả phí.
Lý giải về việc thu phí kiểu “không lối thoát” này, đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cho rằng: “Việc đặt hai trạm phí ở hai tuyến nhằm mục đích thu lại nguồn vốn nhà đầu tư đã bỏ ra. Nếu chỉ lập trạm thu phí trên tuyến mới, lưu lượng xe không đủ để hoàn vốn. Nhất là trong giai đoạn đầu tư ban đầu, tuyến đường mới có nhiều đường nhánh ra, không thể thu phí khép kín, phương tiện dễ dàng né trạm”.
“Căn cứ vào lưu lượng xe lưu thông, sự tăng trưởng của các xe qua từng năm với mức phí quy định như hiện nay thì thời gian cho phép thu sẽ rơi vào khoảng 16 năm 1 tháng, thay vì 20 năm như dự kiến”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Xin giảm phí cho người dân địa phương
Mấy chục năm trời sinh sống và mưu sinh trên tuyến Ql3 cũ, anh Nguyễn Hoàng Long - (Làng nghề bánh chưng truyền thống Bờ Đậu, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bức xúc: “việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũ qua xã Sơn Cẩm là bất hợp lý, đẩy người dân làng nghề làm bánh chưng vào tình thế không được quyền lựa chọn. “Ở thời điểm hiện tại, giá của mỗi chiếc bánh chưng là 30.000 đồng và được giữ nguyên trong nhiều năm nay, nhưng sắp tới, có thể cùng nhiều mặt hàng khác, giá của chúng sẽ phải đội lên cao vì “cõng” phí cao tốc. “Cuộc sống của chúng tôi chỉ trông vào mỗi nồi bánh chưng. Đáng lẽ là 30.000 đồng/chiếc, nhưng giờ cái trạm thu phí lù lù ở đó, chiếc bánh chưng sẽ đẩy giá lên khoảng 100 nghìn vì phải cõng thêm tiền phí BOT. Như vậy còn ai dám mua bánh nữa…” , anh Long nhấn mạnh.
Làng bánh chưng Bờ Đậu rơi vào tình cảnh ế ẩm, thậm chí là đóng cửa trước việc chủ đầu tư cho xây dựng trạm thu phí BOT tại QL3. |
Doanh nghiệp vận tải T.N (tuyến Hà Nội – Bắc Kạn), cho rằng: “Tuyến QL3 cũ, mặc dù không được sửa chữa, nâng cấp nhiều, song lại đặt trạm thu phí ở đây để thực hiện việc “tận thu”, đẩy DN đứng bên bờ vực khó khăn, điêu đứng. Đi đường “làng” mà phải mất tiền như đi cao tốc, quá là vô lý”.
“Hàng ngày, nhà xe chúng tôi có hàng chục chuyến đi qua tuyến đường Ql3 này, nếu nay mai việc thu phí được áp dụng, thì hàng tháng chúng tôi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng vào phí qua trạm, chưa kể phí bảo trì đường bộ. Hành khách thì vắng, thu không đủ chi, cứ cái đà này DN chỉ còn nước phá sản”, đại diện DN T.N. cho biết.
Người dân tỉnh Thái Nguyên đang từng ngày, từng giờ khốn đốn vì các trạm BOT "bủa vây". |
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV, ông Vũ Mạnh Hiền - Bí thư xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương – Thái Nguyên) chia sẻ, cũng như đại đa số người dân địa phương, ông thấy rằng việc xây dựng trạm thu phí BOT trên QL3 cũ là rất bất cập. Trong khi đó, vị trí xây dựng trạm còn chặn cả một tuyến đường đi Tuyên Quang. “Đơn vị đầu tư thực chất mới chỉ sửa lại một chút đường dài khoảng 10km cách trạm thu phí tới hơn 25km nên càng khiến người dân bức xúc. Nhưng do phương án này đã được duyệt nên chúng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài đề xuất các cấp xem xét miễn giảm phí cho các hộ dân ở gần”, ông Hiền cho hay.
Ông Phạm Bình Công – Chủ tịch huyện thông tin, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, ngày 15/3 tới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức một cuộc họp để bàn bạc thêm về vấn đề này.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên – Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) – Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc – Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. |
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin ở bài sau./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.