Ảnh: Reuters |
Dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ chuẩn bị đạt mức 400 tỷ USD, tương đương với một năm nhập khẩu, trong khi đó dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia hiện đang cao kỷ lục.
Tại Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ tăng bẩy tháng liên tiếp và đến cuối tháng Tám đã chạm mức 3,09 nghìn tỷ USD dù trước đó từng có khoảng thời gian giảm đến gần 1 nghìn tỷ USD, theo cập nhật mới nhất từ Bloomberg.
Dòng vốn ổn định từ những nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao và đồng USD yếu đã giúp dự trữ ngoại tệ tại các nước châu Á tăng lên, giảm thiểu được bất kỳ biến động nào từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp bảng cân đối kế toán trị giá 4,5 nghìn tỷ USD. Quyết định chính thức liên quan đến việc này sẽ được công bố vào ngày Hai mươi tháng Chín.
Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và Indonesia thậm chí còn vững tin về khả năng chống đỡ tác động đến mức họ vẫn tiếp tục hạ lãi suất cơ bản trong tháng trước.
Các Ngân hàng Trung ương châu Á có lý do để phải tự phòng vệ. Năm 2013, Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke, đã tuyên bố việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu sẽ khiến dòng vốn đầu tư bốc hơi khỏi khu vực châu Á và khiến áp lực sụt giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực tăng lên. Khi đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã chịu tác động nặng nề bởi nhà đầu tư bán mạnh đồng rupee.
Từ đó đến nay, mọi chuyện đã cải thiện dần. Những nhà đầu tư đói lợi nhuận đã đổ tiền vào Ấn Độ để kiếm lợi suất cao, họ tin tưởng vào đồng rupee ổn định và khả năng các chính sách cải cách kinh tế sẽ mang đến tác dụng tích cực.
Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đổ hơn 20 tỷ USD vào trái phiếu Ấn Độ và 6,5 tỷ USD vào cổ phiếu Ấn Độ, nhờ vậy đồng rupee tăng được khoảng hơn 6% so với đồng USD.
Còn tính trong năm tài khóa kết thúc vào tháng Ba năm 2017, Ấn Độ nhận được hơn 60 tỷ USD vốn FDI, đây là một trong những nguồn ngoại tệ quan trọng nhất của Ấn Độ.
Câu chuyện của Ấn Độ cho thấy tăng trưởng kinh tế cao và môi trường có khả năng sinh lợi nhuận sẽ thu hút được nhà đầu tư ngay cả khi Fed điều chỉnh lãi suất.
“Môi trường đầu tư châu Á vẫn mang lại lợi suất đầu tư cao trong khi trong nhóm ba nền kinh tế phát triển nhất thế giới, lạm phát vẫn chưa tăng lên”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng DBS Singapore, ông Radhika Rao, nhận xét.
Indonesia, một trong những nước chịu tác động nhiều nhất từ khủng hoảng tài chính châu Á trước đây, đã xây dựng được dự trữ ngoại tệ lên đến 129 tỷ USD. Tính đến cuối tháng Tám năm nay, dự trữ ngoại tệ trên tương đương 8,6 tháng nhập khẩu và đảm bảo khả năng trả nợ cho chính phủ.
Tại Thái Lan, dự trữ ngoại tệ cũng tăng mạnh lên mức 196 tỷ USD khi dòng vốn đầu tư vào Thái Lan lên mạnh. Trên thực tế, dự trữ ngoại tệ của Thái Lan quá cao còn đang khiến giới chức nước này đau đầu.
Khu vực Đông Bắc Á, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đạt 383,4 tỷ USD tính đến cuối tháng Tám. Chính vì vậy, giới chức nước này rất tự tin về khả năng chống đỡ của nền kinh tế dù Fed nâng lãi suất hay Triều Tiên đang có hàng loạt hành động gây hấn.
Dự trữ ngoại tệ của Nhật hiện vẫn ổn định ở mức 1,12 nghìn tỷ USD suốt từ năm 2011 để ngăn đồng yên tăng giá. Không giống nhiều nước khác tại châu Á, nhiều thập kỷ kinh tế tăng trưởng trì trệ đã khiến các tài sản trái phiếu của Nhật không còn sức hấp dẫn về lợi suất.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc vẫn đang trong xu thế tăng, một phần bởi đồng USD yếu và đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh trong năm nay. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc sẽ không để đồng nhân dân tệ tăng giá thêm nữa.
Một lý do khác mà tiền vẫn đổ mạnh vào châu Á chính là việc chính sách tiền tệ của các nước châu Á đang diễn biến trái chiều với Fed.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics ở Singapore, ông Sian Fenner, nhận xét: “Trong quá khứ, chính sách tiền tệ châu Á thường thay đổi cùng hướng với với Fed thế nhưng lần này mọi chuyện đã khác.”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.