Nhiều lao động sang Hàn Quốc không muốn về nước khi đã hết hạn hợp đồng (Ảnh minh họa) |
Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu ở nước ta nhiều năm qua. Dự kiến trong năm nay, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận khoảng 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo từ Việt Nam.
Tuy nhiên có 44 quận, huyện thuộc 10 tỉnh, thành nước ta nằm trong danh sách ngừng tiếp nhận lao động, do có tỷ lệ lao động hết thị thực nhưng không chịu về nước ở mức cao, trong đó nhiều người quê tỉnh Quảng Bình.
Xã Hải Trạch là một trong những địa phương có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những năm gần đây, bộ mặt của làng quê này có nhiều khởi sắc, có phần đóng góp không nhỏ của những người đi xuất khẩu lao động.
Gia đình ông Hồ Trọng Trâu, trú tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, có 2 người con đang làm việc tại Hàn Quốc. Con trai cả của ông Châu là Hồ Thanh Tuấn dù đã quá hạn hợp đồng lao động vẫn chưa trở về nước khiến gia đình ông lo lắng: “Vừa qua, Nhà nước thông báo 10 tỉnh không cho đi Hàn Quốc, trong đó có Quảng Bình. Tình hình này họ làm căng cho nên nếu hết hạn hợp đồng thì tôi khuyên các con về. Quê hương mình cũng có nhiều nơi để làm việc”.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch cho rằng, do các chính sách xử phạt của mình chưa đủ mạnh nên các lao động dù đã hết hạn vẫn tìm cách trốn tránh về nước để ở lại lao động chui.
“Một số chế tài xử phạt hành chính đối với các lao động này chưa cao, cho nên thời gian tới phải có chính sách, chế tài từ Trung ương mạnh hơn để răn đe. Về phía địa phương sẽ tuyên truyền, vận động cho các đối tượng này trở về khi đã hết thời hạn lao động ở nước ngoài” – ông Nguyễn Hữu Hồng khuyến nghị.
Tại tỉnh Quảng Bình, người đi xuất khẩu lao động tuy đã hết hạn nhưng chưa trở về nước, tập trung ở các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và một số phường của thị xã Ba Đồn. Chỉ tính riêng trong tháng 4 năm nay, hơn 40 lao động quê huyện Bố Trạch hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Việc kêu gọi lao động về nước đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cho biết, dù đã tìm mọi cách vận động, thuyết phục, kêu gọi số lao động hết hạn về nước đúng quy định nhưng vẫn không có kết quả:
Ông Nguyễn Thanh Phương nói: “Trung tâm cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, và cũng đã ban hành các văn bản về địa phương, các ủy ban huyện, xã; đồng thời mời thân nhân người lao động lên để nói rõ những bất lợi của người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có thể gặp phải. Nhưng tình hình thực tế tỷ lệ lao động về đúng hạn hợp đồng rất ít”.
Một chế tài xử lý nghiêm minh hơn, có lẽ là điều cần thiết để nâng cao ý thức của người đi xuất khẩu lao động nước ta.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.