Phía sau cửa sổ nhà tù Nhật Bản. Ảnh: BBC. |
Nhật Bản đang có một làn sóng tội phạm là người cao tuổi – tỷ lệ tội phạm là người trên 65 tuổi tại quốc gia này đã và đang tăng đều đặn trong 20 năm qua.
Vào tù để khỏi phải lo chuyện cơm áo
Tại một ngôi nhà trung chuyển ở Hiroshima (ngôi nhà dành cho các phạm nhân được phóng thích, đưa về cộng đồng), ông Toshio Takata, 69 tuổi, nói với BBC rằng mình vi phạm luật pháp là vì ông quá nghèo. Ông muốn có một nơi để sống miễn phí, dù là đằng sau song sắt nhà tù.
Takata nói: “Tôi đến tuổi hưu trí và tôi cạn tiền. Và ý tưởng đó đến với tôi – có lẽ tôi sẽ được sống miễn phí nếu tôi ở trong tù... Thế là tôi lấy cắp một chiếc xe đạp rồi đạp đến một đồn cảnh sát và bảo viên cảnh sát ở đó: Này, tôi ăn cắp đồ này đây”.
Kế hoạch của Toshio thành công. Đây là lần đầu Toshio phạm tội, khi ông đã 62 tuổi. Nhưng tòa án Nhật Bản xử các vụ trộm vặt rất nghiêm khác, nên ông vẫn bị kết án một năm tù.
Với dáng nhỏ nhắn mảnh khảnh, Toshio trông không có vẻ gì là một tên tội phạm chuyên nghiệp cả. Cũng không có vẻ gì của một kẻ chuyên đi dùng dao để dọa nạt phụ nữ.
Thế nhưng Toshio đã xách dao đên một công viên và cố gắng đe dọa người dân ở đó. Ông giơ dao ra với hy vọng ai đó sẽ gọi cảnh sát. Cuối cùng có một người gọi thật.
Tổng cộng, Toshio đã có 4 năm trong tù.
Phóng viên BBC hỏi Toshio rằng ông có thích ở tù không. Toshio trả lời rằng không đớn đau gì lắm. Vì ở tù thì miễn phí, còn khi ra tù lại có lương hưu - lương hưu của ông vẫn tiếp tục được trả khi ông ở tù.
Toshio là một trường hợp điển hình cho xu hướng lạ trong thế giới tội phạm ở Nhật Bản. Đất nước Phù Tang vốn nổi tiếng về ý thức chấp hành pháp luật. Nhưng bây giờ lại ngày càng có nhiều người trên 65 đi thực hiện hành vi phạm tội. Hồi năm 1997, nhóm cao tuổi này chỉ nhận trung bình một trong 20 bản án nhưng 20 năm sau, tỷ lệ trên đã là 1 trong 5.
Ăn trộm thực phẩm để được vào tù tiếp
Và giống như Toshio, nhiều người cao tuổi vi phạm luật là những người thường xuyên tái phạm. Trong số 2.500 người bị kết án trên 65 tuổi, hơn một phần ba đã bị kết án tới 5 lần trước đó.
Phạm nhân Toshio Takata. Ảnh: BBC. |
Một trường hợp khác là Keiko (tên nhân vật đã được đổi). Ở độ tuổi 70, với vóc dáng nhỏ nhắn, bà kể cho phóng viên rằng chính nghèo đói đã đưa đẩy bà đến tình trạng hiện nay.
Keiko kể: “Tôi và chồng tôi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Tôi không có nơi để tá túc. Sự lựa chọn duy nhất của tôi là ăn cắp. Ngay cả những phụ nữ ở độ tuổi trên 80 đi không vững cũng phạm tội. Đó là vì họ không có tiền, không có thực phẩm”.
Keiko vừa bị bắt lại, lần này bà phải thi hành đợt ngồi tù vì tội ăn cắp đồ tại cửa hàng.
Tội chôm đồ (chủ yếu lấy cắp đồ của cửa hàng) đang là tội phổ biến nhất ở những người lớn phạm tội. Họ chủ yếu lấy trộm thức ăn có giá trị dưới 3.000 yen (tương đương gần 30 USD) từ một nhà hàng mà họ hay lui tới.
Michael Newman – nhà nhân khẩu học sinh ra ở Australia và làm cho cơ sở nghiên cứu có trụ sở ở Tokyo, chỉ ra rằng mức lương hưu ở Nhật Bản rất khó sống.
Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, Newman tính toán rằng riêng chi phí tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền chăm sóc y tế đã đủ để khiến người hưu trí rơi vào tình trạng nợ nần nếu họ không có nguồn thu nhập nào khác nữa. Thời xưa, truyền thống là con cái chăm sóc cho cha mẹ nhưng nay ở nhiều tỉnh lẻ, cơ hội làm ăn kinh tế ít nên nhiều thanh niên ly hương, bỏ mặc cha mẹ ở quê tự chăm sóc lấy bản thân.
Nhà nghiên cứu Newman nói: “Người hưu trí không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. Nhiều người cảm thấy rằng nếu họ không thể sống đủ bằng tiền hưu trí thì cách khả dĩ duy nhất cho họ để khỏi làm phiền con cái là tự đẩy mình vào tù”.
Vẫn theo Newman, việc tái gây án là cách để quay lại nhà tù, nơi có đẩy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày mà không phải thanh toán hóa đơn nào cả.
Muốn đi tù để có bạn có bè
Nhưng nguyên nhân cho làn sóng tội phạm ở người cao tuổi Nhật Bản không chỉ giới hạn vào vấn đề tài chính.
Kanichi Yamada, Giám đốc của nhà phục hồi “With Hiroshima”, cho biết: “Cuối cùng thì mối quan hệ giữa con người với nhau cũng đã thay đổi. Con người ta ngày càng rơi vào trạng thái cô độc hơn. Họ không tìm thấy chỗ cho mình trong xã hội này. Họ không chịu nổi tình trạng cô đơn đó”.
Kanichi, 85 tuổi, từng được lôi ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà mình sau khi quân đội Mỹ thả một trái bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima thời Thế chiến 2. Ông nói tiếp: “Trong số người già phạm tội, một số gặp phải biến cố vào giữa cuộc đời mình. Họ mất vợ hoặc con và không thể thích ứng với điều đó. Nếu họ có người để chăm sóc họ, hỗ trợ họ thì họ sẽ không phạm tội”.
Theo Kanichi, câu chuyện của Toshio về việc cố tình phạm tội do đói nghèo chỉ là cái cớ. Vấn đề cốt lõi là sự cô đơn của Toshio và ông muốn có bầu bạn trong nhà tù.
Đúng là Toshio cô đơn trên cõi đời này. Bố mẹ ông đã qua đời, và ông cũng mất liên lạc với 2 người anh trai. Ông cũng mất nốt liên lạc với 2 người vợ cũ và cả 3 người con của mình.
Toshio thừa nhận với phóng viên BBC: “Nếu những người thân của tôi vẫn còn đây, bên tôi, hỗ trợ tôi thì tôi đã chẳng phạm tội rồi”.
Nhà nghiên cứu Michael Newman nhận thấy, chính quyền Nhật Bản đã mở rộng năng lực tiếp nhận của hệ thống nhà tù nước này và tuyển thêm các quản giáo nữ. Ông cũng nhận thấy ngân sách gia tăng cho hoạt động chữa trị các phạm nhân.
Nghịch lý chi phí
Phóng viên đến thăm một nhà tù ở Fuchu nằm ở vùng thủ đô Tokyo, nơi có 1 phần 3 phạm nhân là trên 60 tuổi.
Thường có nhiều nội dung tập luyện diễu hành tại các nhà tù Nhật Bản. Nhưng ở nhà tù này, điều đó có những khó khăn nhất định do sức khỏe của tù nhân và tình trạng khuyết tật của họ.
Masatsugu Yazawa, trưởng phòng giáo dục tại nhà tù này chia sẻ: “Chúng tôi đã phải cải thiện cơ sở vật chất tại đây. Chúng tôi lắp thêm các tay vịn và toilet đặc biệt. Có các lớp học dành riêng cho các phạm nhân cao tuổi”.
Yazawa cho biết, tại nhà tù này phạm nhân được tạo điều kiện để hát karaoke, hát các bài nhân văn về ý nghĩa cuộc đời, về những điều tươi đẹp ở ngoài kia. “Nhưng phạm nhân họ vẫn nghĩ sống ở trong tù tốt hơn ở bên ngoài và nhiều người đã quay trở lại đây”.
Michael Newman chỉ ra một điều bất hợp lý ở đây: Nếu chăm sóc người già mà không phải chi phí cho xử án và trại giam thì mọi thứ sẽ tốt hơn và tiết kiệm hơn.
Trong một báo cáo năm 2016, Newman viết: “Việc ăn cắp một chiếc bánh sandwich giá gần 2 USD sẽ kéo theo khoản ngân sách tới 763.360 USD dành cho việc thực hiện bản án 2 năm tù”.
Và trên thực tế , phóng viên BBC đã gặp một phạm nhân Nhật Bản phải thực thi bản án 2 năm tù chỉ vì tội ăn cắp một lọ hạt tiêu trị giá 3,3 USD.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.