Mũ bảo hiểm giả tràn lan thị trường. Ảnh: Ngọc Hậu. |
Ông Mai Văn Thuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại kỹ thuật Á Châu cho biết, nếu cách đây 5-6 năm sản phẩm mũ bảo hiểm chất lượng được người tiêu dùng đón nhận thì nay đang bị các loại mũ kém chất lượng chèn ép nên sức mua đi xuống.
Điều đó khiến công ty của ông 2 năm gần đây dường như bị đánh bật khỏi thị trường nội địa. Thậm chí, nhiều sản phẩm trên thị trường nhái hẳn nhãn hiệu của công ty.
Nhiều lần cơ quan quản lý thị trường có xử phạt nhưng “đâu lại đóng đấy”. Để sống được, đa phần các sản phẩm của công ty ông phải tìm tới thị trường xuất khẩu.
“Hiện nay sản phẩm giả trên thị trường có giá quá thấp, chỉ 40.000-45.000 đồng một cái, trong khi các sản phẩm của chúng tôi làm ra dù tiết giảm đủ mọi chi phí thì cũng vẫn có giá 120.000-125.000 đồng.
Sở dĩ sản phẩm chính hãng giá cao là vì hàng sử dụng nguyên liệu chất lượng, có kiểm định của cơ quan chức năng và phải đóng nhiều loại phí khác nhau. Còn hàng giả đa phần không mất nhiều thuế phí, nguyên liệu cũng chỉ phủ lớp nhựa mỏng bên ngoài và lớp vải kém chất lượng bên trong”, ông Thuận nói.
Là doanh nghiệp một thời đình đám ở thị trường Việt Nam, nhưng tới nay Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cũng đang gặp khó khăn khi bị cạnh tranh khốc liệt.
Giám đốc điều hành Nguyễn Tý cho biết, nón bảo hiểm kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu cũng như tình hình kinh doanh của Nón Sơn.
Công ty ông thường xuyên cho nhân viên đi nắm bắt thị trường, phối hợp cùng các cơ quan pháp luật trên toàn quốc để kịp thời xử lý hàng giả, hàng nhái nhưng tình hình vẫn không có nhiều cải thiện vì người tiêu dùng còn chưa hiểu biết nhiều về chất lượng sản phẩm cũng như tác hại của chúng, dẫn đến sản phẩm kém chất lượng vẫn nhan nhản trên thị trường.
Cũng chung cảnh ngộ với các doanh nghiệp trên, giám đốc một doanh nghiệp mũ bảo hiểm ở Bình Tân (TP HCM) cho biết, từ khi mũ giả tràn lan, chuyện kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút hẳn, buộc công ty phải giảm lượng công nhân và chỉ sản xuất với số lượng nhỏ.
“Vài năm gần đây công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng cho sản xuất mũ bảo hiểm và tuyển vài trăm công nhân, nhưng nay thì chỉ còn giữ lại khoảng 60 người, sản xuất cầm chừng. Thế nhưng, hàng bán ra vẫn khó cạnh tranh với mũ giả”, vị giám đốc này nói.
Theo Câu lạc bộ doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm TP HCM, hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất “chui” còn nhiều hơn số lượng doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Điều này khiến nhiều đơn vị vì quá khó khăn đã chuyển sang sản xuất sản phẩm chất lượng kém để phục vụ nhu cầu thị trường.
Khảo sát của PV tại TP HCM cho thấy, tình trạng kinh doanh mũ bảo hiểm giả ngày càng báo động.
Dọc các con đường Nguyễn Trãi (quận 5), Thành Thái (quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh)... các loại mũ bảo hiểm đủ các màu sắc gắn mác các thương hiệu nổi tiếng được bán với giá 25.000-60.000 đồng, rẻ hơn 2-3 lần so với những sản phẩm mũ bảo hiểm chính hãng.
Anh Thành, người chuyên bán mũ bảo hiểm giả trên lề đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết, anh thường lấy hàng từ một công ty ở Thủ Đức với giá khá hấp dẫn. “90.000 đồng 2 cái, nếu mua càng nhiều thì giá càng giảm, tất cả các màu xanh, đỏ, tím vàng đều có. Với các mũ 'có thương hiệu' tôi bán 70.000 đồng một chiếc, rẻ hơn cả đại lý”, anh Thành nói.
Không chỉ ở nội thành, mũ kém chất lượng còn xuất hiện ở rất nhiều tuyến đường ngoại ô, như quốc lộ 13, quốc lộ 50, quốc lộ 1A… Các sản phẩm ở đây tuy không đa dạng mẫu mã nhưng giá chỉ 25.000-35.000 đồng một cái. Khi hỏi về độ an toàn thì hầu hết người bán cam kết bảo hành 6 tháng.
“Hiện nay các loại mũ bảo hiểm chính hãng rất hiếm người mua, nên đa phần cơ sở sản xuất chuyển qua sản xuất mũ theo nhu cầu thị trường. Trước đây, tôi từng lấy sản phẩm có chứng nhận an toàn, nhưng sau này vì bán không chạy nên tôi hạn chế lấy”, anh Hòa, người bán mũ bảo hiểm trên Quốc lộ 13 cho biết.
Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra 676 vụ phát hiện 298 vụ buôn bán mũ bảo hiểm không có chứng từ hóa đơn, mũ không rõ nguồn gốc và mũ bảo hiểm nhập lậu; 182 vụ vi phạm quy định về chứng nhận hợp quy, nhãn hàng hóa, đăng ký kinh doanh và niêm yết giá; 11 vụ bán mũ giả nhãn hàng hóa, địa chỉ sản xuất không có thật.
Tổng cộng, lực lượng quản lý thị trường đã phạt hơn một tỷ đồng và tịch thu tiêu hủy 58.788 mũ bảo hiểm các loại với trị giá hàng hóa gần 3 tỷ đồng.
Công an Thành phố cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả; tạm giữ 12.546 mũ bảo hiểm, tiêu hủy 987 cái, phạt hơn 52 triệu đồng và giải tỏa 48 điểm bày bán mũ bảo hiểm trên lòng lề đường. Hơn 200.000 người lái xe không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng quy định bị xử lý.
Mới đây, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định chế tài, xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm.
Theo đó, UBND Thành phố cho rằng người tiêu dùng chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc chọn mua và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng khi tham gia giao thông nên cần có chế tài phạt người đội mũ kém chất lượng.
Trước kiến nghị này của thành phố, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm chân chính đều ủng hộ quyết định này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có chế tài nặng hơn với những cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm rởm. Bởi lẽ, hiện nay tình trạng sản xuất tràn lan mũ bảo hiểm rởm đang khiến các công ty làm ăn chân chính lép vế và rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.