Ảnh minh họa |
Mặc dù giới chức Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu lạc quan về khả năng sớm đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ quan hệ thương mại thực sự biến đổi nào.
Chính sách hỗ trợ các ngành kinh doanh mà Trung Quốc áp dụng lâu nay, cùng những cáo buộc rằng nước này lấy công nghệ Mỹ một cách bất hợp pháp vẫn là những lực cản chính đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại có ý nghĩa nào giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố rằng thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc - khoảng cách giữa giá trị hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc nhập vào và giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Mỹ - chạm mức kỷ lục 419,2 tỉ USD hồi năm ngoái.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump khẳng định có tiến triển trong những cuộc đàm phán thương mại suốt 2 tuần qua, nhưng thừa nhận rằng kết quả cuối cùng vẫn còn là ẩn số.
Quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bóng gió rằng một thỏa thuận nào đó có thể sẽ được thông qua vào cuối tháng 3, và có thể lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau để hoàn tất thỏa thuận tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida.
Sự nhượng bộ của Trung Quốc và lo ngại của Mỹ
Bắc Kinh đã công khai bày tỏ ý định xử lý những chính sách lâu nay vốn tạo điều kiện cho các công ty và quan chức địa phương Trung Quốc ép các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài chia sẻ công nghệ như một cái giá để tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tuyên bố công khai ấy vẫn còn quá xa vời so với những cam kết cải cách chính sách khả thi mà các nhà đàm phán Mỹ đang tìm kiếm.
Năm ngoái, ông Trump đã áp đặt một loạt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc với hy vọng gây áp lực buộc Bắc Kinh ủng hộ những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ.
Năm ngoái, ông Trump đã áp đặt một loạt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 6, Nhà Trắng đã áp mức thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tới tháng 9, Washington lại áp 10% thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa khác. Tổng cộng, thuế của Mỹ đã có hiệu lực với gần nửa số hàng hóa mà Mỹ mua từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phản tác dụng từ các mức thuế của Trump - và những mức thuế nhập khẩu mà Trung Quốc áp trả đũa lên hàng hóa Mỹ - vẫn được ghi nhận đều đặn, ở cả trong nước và nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện đang phải trả chi phí cao hơn để nhập linh kiện và hàng hóa khác từ Trung Quốc, vốn không được sản xuất ở Mỹ. Các mức thuế khiến người tiêu dùng Mỹ mất 1,4 tỉ USD/tháng và các doanh nghiệp mất 3 tỉ USD/tháng tính đến cuối năm ngoái (theo nghiên cứu của nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York Mary Amity).
Khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta thì phát hiện ra rằng các mức thuế đã khiến nhiều công ty của Mỹ phải cắt giảm khoảng 1,2% chi tiêu đối với thiết bị, tương đương với khoảng 32,5 tỉ USD trong năm ngoái.
Những số liệu này khá khiêm tốn, xét trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ sản xuất được 20 nghìn tỉ USD hàng hóa và dịch vụ trong 1 năm. Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng thứ cấp. Thị trường chứng khoán đã giảm 19% vào mùa thu năm ngoái, phần nào là do lo ngại cuộc thương chiến sẽ gây tổn thất nghiêm trọng.
Thuế quan không đem lại đòn bẩy thương lượng mà ông Trump tìm kiếm. Khá nhiều trong số những nhượng bộ của Trung Quốc có vẻ được đưa ra chỉ để xoa dịu một số lo ngại từ phía Mỹ, chứ không phải để thiết lập những đường lối thương mại mà mỗi nước sẽ tuân theo.
Bắc Kinh đã đề nghị mua thêm các mặt hàng nông sản và năng lượng của Mỹ - một đề xuất mà ông Tập đưa ra với ông Trump khi họ gặp nhau tại Buenos Aires hồi tháng 12 với ý tưởng thu hẹp lỗ hổng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc.
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc được cho là đang ủng hộ một đạo luật nhằm ngăn cản các quan chức địa phương gây áp lực buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Đây là biện pháp phản ứng đối với những lo ngại về việc Trung Quốc không tôn trọng tài sản trí tuệ mà ông Trump đã nêu ra khi lần đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc có thực sự thực thi cam kết này hay không. Mối lo ngại này có khả năng ngăn cản thỏa thuận thương mại có ý nghĩa giữa hai bên.
Phát biểu trước một hội đồng Hạ viện hồi tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay, "Tôi có thể chỉ ra nhiều ví dụ" về việc Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận thuận "và trong rất ít trường hợp họ thực sự có thể giữ vững những giao ước của mình".
Lighthizer cũng nhấn mạnh rằng điều đó không đủ để Bắc Kinh chấp nhận mua thêm đậu nành, khí đốt tự nhiên, cũng như những hàng hóa khác của Mỹ.
Ông cho rằng, bất cứ thỏa thuận khó đạt được nào cũng cần tính tới những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc về vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc và việc Bắc Kinh hỗ trợ cho những công ty của mình.
Erin Ennis, phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung thì đánh giá: Việc thống nhất cơ chế thi hành là thách thức khổng lồ.
Chính quyền ông Trump muốn có khả năng áp thuế đối với Trung Quốc nếu nước này vi phạm quy ước trong bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong tương lai - mà không bị đáp trả. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ coi một cơ chế như vậy là xâm phạm chủ quyền.
Bắc Kinh cũng kháng cự những yêu cầu thay đổi chính sách công nghiệp của phía Mỹ - nhà phân tích chính trị của Đại học Hong Kong Willy Lam nhận định.
"Người Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý thỏa hiệp về vấn đề này, bởi nó là chìa khóa cho tương lai của đất nước", Lam nói, "Toàn bộ đường lối thúc đẩy công nghệ cao đều liên quan tới nhà nước và nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Người Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ điều đó".
(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung của hai cây viết JOSH BOAK và CHRISTOPHER RUGABER đăng trên AP.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.