Ga Shin Okubo nằm cách một trong những nhà ga đông đúc nhất thế giới Shinjuku chỉ đúng một ga tàu.
Khu vực này nhiều năm được mệnh danh là phố Hàn Quốc bởi nhiều người Hàn Quốc đến Nhật đổ về khu vực xung quanh ga mở cửa hàng ăn, mở siêu thị bán thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, mỹ phẩm cũng như quần áo cũ…
Và giờ đây, không chỉ có các tiệm bán đồ Hàn Quốc, người Nepal cũng đổ đến khu vực này sinh sống và kinh doanh hàng hóa dịch vụ.
Buổi tối tại khu vực ga Shin Okubo không hề giống với nhiều nơi khác tại Nhật, khu vực quanh ga Shin Okubo lấp lánh với nhiều đèn nhấp nháy, tiếng nhạc khá ồn ào. Khu vực ga Shin Okubo thuộc quận Shinjuku, thủ đô Tokyo.
Chỉ riêng quận Shinjuku đã có đến 3.000 người Nepal hiện đang sinh sống. Khu vực Shin Okubo hiện đang nhanh chóng trở thành một khu Nepal, không kém cạnh gì so với cộng đồng người Hàn Quốc.
Anh Thapa Puskar năm nay 36 tuổi hiện đang làm quản lý nhà hàng đồ ăn Nepal có tên Solmari. Anh được coi như một trong những người Nepal thành công. Nhà hàng của anh khá đông khách bởi quản lý đã nắm bắt tốt nhu cầu của người Nepal đến Nhật.
Những người Nepal mới đến thường nhớ đồ ăn truyền thống quê nhà và họ cần đến lời khuyên cho cuộc sống mới tại khu vực đô thị rộng lớn như Tokyo.
Anh Puskar có thể coi là người đại diện cho thế hệ những người nhập cư mới hướng đến phương Đông thay vì phương Tây khi họ muốn tìm kiếm một cuộc sống ở nơi khác bên ngoài quê hương của mình. Dù Mỹ vẫn thu hút số lượng người nhập cư lớn nhất, thế nhưng châu Á đang nổi lên như một điểm đến quan trọng.
Puskar đến Nhật vào năm 2004. Sau khi học hết trường tiếng, anh hoàn thành bằng cao đẳng ngành quản lý quốc tế với tham vọng sẽ khởi nghiệp. Khi đang làm việc tại một nhà hàng ăn, Puskar đã luôn nuôi ý định sẽ tham gia ngành nhà hàng ăn uống.
Tham vọng đó của anh đã cuối cùng đã trở thành hiện thực, anh mở được một nhà hàng thu hút hàng trăm thực khách mỗi ngày và không một ai trong đó là người Nhật. Nhà hàng của anh cũng trang bị sẵn thiết bị âm thanh, máy chiếu, và có cả sân khấu sẵn sàng phục vụ cho những bữa tiệc.
Theo tính toán của Liên Hợp Quốc, tính đến hết năm 2017, đang có khoảng 258 triệu người trên thế giới sống ở một nước khác không phải nước mà họ sinh ra, con số trên như vậy đã tăng đến 50% so với năm 2000. Nước Mỹ đứng đầu với 50 triệu người nhập cư, thế nhưng cùng lúc đó, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Ấn Độ đang nổi lên như những điểm đến được nhiều người ưa thích.
Châu Á (tính cả Trung Đông) hiện đang có đến 80 triệu người nhập cư, tương đương 30% trong tổng số người di cư. Năm 2015, châu Á vượt qua châu Âu để trở thành nơi thu hút nhiều người di cư nhất thế giới.
Liên Hợp Quốc định nghĩa người di cư là những người sống ở một nước/khu vực khác ngoài nước mà họ sinh ra. Trong đó có thể kể đến những người di cư vì mục đích kinh tế, người tị nạn, sinh viên quốc tế hoặc thành viên trong gia đình của những người làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, cách phân loại người di cư của UN không tính đến du khách hay những cá nhân sống ở nước ngoài chỉ một vài tháng.
Số lượng người nhập cư vào Mỹ giảm đều trong những năm gần đây. Thời thập niên 1990, mỗi năm 11,6 triệu người nhập cư vào Mỹ, tương đương gần 60% tổng số người di cư trên toàn thế giới. Thế nhưng con số này vào thập niên 2000 rớt xuống chỉ còn 9,4 triệu và đến thập niên hiện tại chỉ còn 5,6 triệu.
Ngược lại, thập niên 2000, các quốc gia châu Á thu hút trung bình 16,7 triệu người nhập cư/năm, đến thập niên hiện tại con số đó 13,7 triệu. Tuy nhiên thời kỳ thập niên 1990, con số trên chỉ ở mức 1 triệu người.
Khi mà tâm lý chống nhập cư tăng cao tại một số nước phương Tây, châu Á đang hấp thụ lượng lớn người nhập cư.
Tại khu vực Đông Á, Thái Lan thu hút nhiều người nhập cư nhất. Từ năm 2000 đến nay, Thái Lan thu hút 2,3 triệu người nhập cư, sau đó đến Malaysia và Hàn Quốc. Lý do đơn giản khiến Thái Lan và Hàn Quốc phải chấp nhận nhập cư chính là bởi hai nước này cần bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động bằng người lao động nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2017, Nhật đang có 2,56 triệu người nước ngoài, tăng gần 500 nghìn người so với một thập kỷ trước. Ngành dịch vụ và xây dựng đang cần thu hút rất nhiều lao động nước ngoài.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.