Nhiều người Hàn Quốc, vốn đã phải vật lộn để vào được một trường đại học danh tiếng, kiếm một công việc ổn định và sau đó thăng chức đều đều, nói rằng họ không thể chịu nổi cảnh sống này nữa. |
Thế nhưng một số người dân nơi đây lại đang tìm cách trốn chạy khỏi "cuộc sống địa ngục" theo quan điểm của họ và bắt đầu cuộc sống ở vùng đất mới.
"Tôi thức dậy lúc 5:30 sáng, đi làm và về nhà lúc 11 giờ đêm. Vào cuối tuần, tôi thấy rất mệt nên ngủ thêm hoặc làm những việc mà tôi không thể làm trong tuần. Tôi cảm thấy không thể sống nổi ở đây", Cô Park Geun Young, 35 tuổi, cho biết.
Với Park, người đã sống ở Australia 2 năm nay, lựa chọn duy nhất còn lại là rời bỏ đất nước và tìm kiếm hy vọng ở một nơi khác.
"Tôi biết cuộc sống ở nước ngoài không phải hoàn hảo nhưng ít nhất còn cân bằng được cuộc sống riêng với công việc, và tôi có thể tận hưởng nhiều hơn", cô cho biết.
Park không phải là người duy nhất cảm thấy ngột ngạt về cuộc sống ở Hàn Quốc và tìm cách trốn chạy.
"Chúng tôi thường xuyên nhận được yêu cầu từ người Hàn Quốc để chuyển đến nước khác nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm và môi trường học tập cho con trẻ," một cán bộ thuộc Công ty Di cư Boram cho biết.
Theo một cuộc khảo sát trên 3.710 người Hàn Quốc trưởng thành, 62,7% đồng ý rằng cuộc sống ở Hàn Quốc là "địa ngục", 54% đã từng nghĩ đến việc chuyển ra nước ngoài sinh sống. Những điểm đến ưa thích của họ là Canada (25,2%), New Zealand (21,2%), Singapore (8,6%) và Australia (8,1). 56% trong số người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng bỏ quốc tịch Hàn Quốc nếu cư trú thành công ở một nước khác.
Mong muốn rời Hàn Quốc có vẻ xác đáng hơn ở thế hệ trẻ, những người gặp phải rất nhiều khó khăn để tìm được một công việc trong lúc tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao (8,6%). Sau khi đã tìm được việc, nhiều người lại vật lộn để cân bằng giữa gia đình và công việc, và họ phải làm việc trung bình 2069 giờ/năm, mức cao thứ 2 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên lý do họ muốn rời Hàn Quốc không chỉ là sự cạnh tranh khốc liệt. Phần nhiều đó là cảm giác bực bội và vô vọng bắt nguồn từ cấu trúc xã hội vốn chỉ có lợi cho những người được nhiều đặc quyền.
"Tôi nghĩ cuộc cạnh tranh ở xã hội Hàn Quốc không phải là nơi mà tôi có thể vượt qua được bằng nỗ lực bản thân," Jung, một thanh niên 30 tuổi cho biết. "Một người như tôi nếu không có trình độ học vấn cao và cha mẹ giàu có, thì gần như không có cơ hội tiến xa."
Anh Kim Bong Moon, 31 tuổi, đã bỏ nghề nhà báo để học công nghệ thông tin qua một chương trình Thạc sĩ ở New Zealand và chuyển đến đó vào năm ngoái. Anh nói rằng không hề hối tiếc vì đã rời bỏ đất nước.
"Bề ngoài thì cuộc sống ở Hàn Quốc không tệ và tôi cũng có thể cạnh tranh được", Kim cho biết. "Nhưng sống theo cách đó, tôi nhận thấy chả còn gì cho mình. Đó không phải là cách sống bền vững."
Lee Byung Hoon, một giáo sư xã hội học ở Đại học Chung-Ang, nói rằng hiện tượng này phản ánh sự vật lộn để tồn tại ở mọi lứa tuổi của người dân Hàn Quốc giữa tình cảnh thiếu việc làm và cuộc sống bấp bênh.
"Nhìn nhận khách quan thì Hàn Quốc vẫn tốt hơn so với nhiều nước khác. Nhưng người Hàn Quốc cảm thấy bất mãn vì không được trao cơ hội một cách công bằng. Họ cảm thấy bất công ngay từ đầu và nỗ lực của mình không được đền đáp," ông nói.
"Vấn đề đó đã tồn tại từ rất lâu, vì thế sẽ không thể thay đổi ngay được", ông nói. "Chính phủ cần phải tìm cách bảo vệ những người yếu thế và cải thiện tính công bằng trong xã hội nhờ các chính sách hiệu quả và tích cực", chuyên gia này đề xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.