Tai nạn giữa Toyota Vios và môtô làm cho phần đuôi của Vios biến dạng. Ảnh: N.P. |
Hiện nay tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng, đa số các vụ tai nạn thường xảy ra giữa ôtô và xe máy. Tuy nhiên nếu để ý thì ôtô luôn bị biến dạng nhiều hơn xe máy, tại sao một chiếc xe máy nhỏ lại dễ dàng làm móp méo phần vỏ của ôtô, liệu có phải do chất lượng sản xuất ôtô ngày càng kém và biến ôtô thành "thùng tôn di động"?
Nguyên nhân chính nằm ở cách thiết kế khung vỏ của ôtô. Khung xe được phân chia thành từng khu vực với cấu tạo thành phần riêng biệt, mỗi vị trí trên xe cũng sẽ có độ cứng khác nhau. Những khu vực được thiết kế để hấp thụ lực như đầu xe, đuôi xe sẽ được chế tạo với vật liệu mềm như nhôm hay thép thông thường. Nếu phần đầu xe và đuôi xe có thiết kế quá cứng, khi xảy ra va chạm người ngồi trong xe dễ bị văng ra ngoài theo lực quán tính, tăng khả năng va đập và nguy hiểm đến tính mạng. Quan trọng hơn, phần vỏ xe mềm có tác dụng hấp thụ lực và bảo vệ người bên ngoài xe trong các vụ va chạm.
Ngược lại, khung xe yêu cầu sự cứng cáp giúp bảo vệ người ngồi bên trong nếu xảy ra tai nạn. Phần khung này được thiết kế với vật liệu cứng, tránh biến dạng, móp méo. Trong các giải đua, người ta còn gia cố thêm cabin bằng lồng chống lật (roll cage) giúp cabin khó bị biến dạng khi xảy ra va chạm.
Cấu tạo khung chịu lực của Volvo XC70. Ảnh: Volvo. |
Nhìn vào ảnh trên có thể thấy được hệ thống khung sườn của Volvo XC70 có cấu tạo từ nhiều thành phần khác nhau. Phần đầu xe và đuôi xe được cấu tạo từ nhôm (xanh lá) và thép thông thường (xám). Khu vực cabin có thiết kế với loại thép siêu cứng (vàng, cam, đỏ) giúp cố định khu vực này nếu xảy ra va chạm.
Ngoài ra như đã nói, phần bên ngoài của ôtô có cấu tạo mềm còn giúp bảo vệ những người xung quanh khi xảy ra tai nạn. Chẳng hạn khi xe đâm trực diện vào người đi bộ thì phần nắp capo sẽ hấp thụ bớt một phần lực, tăng khả năng sống sót cho người bị nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.