Vì sao tai nạn nghiêm trọng hàng hải gia tăng?

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
19/01/2018 17:10

Trong năm 2017, tai nạn hàng hải giảm về số vụ tuy nhiên tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lại gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân?


20170824_102858_xkwx
Tàu chở 3000 tấn tôn bị chìm trên vùng biển Ninh Thuận do đang đi bị thủng vỏ ngày 23/8/2017

50% tai nạn do tàu mắc lỗi kỹ thuật

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2017, toàn quốc xảy ra 19 vụ tai nạn; so với năm 2016, số vụ tai nạn hàng hải giảm 2 vụ, số người chết và mất tích tăng 7 người, số người bị thương tăng 4 người. Trong đó, đã xảy ra 10 vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng, 4 vụ tai nạn nghiêm trọng và 5 vụ tai nạn ít nghiêm trọng. Số vụ tai nạn hàng hải trong năm 2017 giảm 2 vụ so với năm 2016 nhưng số vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng lại tăng lên 4 vụ.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoàng – Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn hàng hải trong năm 2017 là thuyền viên không thực hiện nghiêm túc công tác cảnh giới khi tàu hành trình, hạn chế về trình sộ và thiếu kinh nghiệm nên điều động tránh va chưa phù hợp theo Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển dẫn đến đâm va.

Đặc biệt ngư dân và thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa còn hạn chế về trình độ, không thực hiện việc trực ca khi tàu ở trên biển, có trường hợp tàu các bị đâm chìm nhưng thuyền viên không biết tàu đâm, trang thiết bị trên tàu cá và các phương tiện thủy nội địa rất thô sơ nên khó khăn cho tàu biển trong công tác phối hợp tránh va, những phương tiện này khi hành trình trên luồng thường không tuân thủ nội quy cảng biển, thường cắt mũi tàu biển dẫn đến bị tàu biển đâm.

“Tình trạng kỹ thuật của tàu biển không đảm bảo yêu cầu, nhiều tàu đang hành trình thì bị sự cố máy, bị thủng vỏ nước tràn vào tàu dẫn đến tàu bị mắc cạn hoặc chìm đắm. Đây là một điều hết sức đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay, tỉ lệ chiếm khoảng 50% tổng số vụ tai nạn hàng hải trong năm 2017”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, ông La Quang Trí, Giám đốc ShipOffer Corp nhận định thời gian qua, các vụ tai nạn từ đầu năm đến nay có thể thấy xảy ra khá nhiều với tàu sông pha biển. Loại tàu này phát triển rầm rộ sau khi các tuyến vận tải sông pha biển được mở lại, nối tuyến Bắc - Nam từ tháng 11/2014. Trong cơn bão vừa qua, có tàu sông pha biển trọng tải đến 22.000 tấn chở đầy than đã bị sóng đánh dạt vào bờ.

“Thiết kế của các tàu sông pha biển chỉ thích hợp chạy trong sông và đi được gần bờ với sóng êm, nên khi gặp gió lớn thì kết cấu tàu không chịu đựng nổi. Có những tàu sông pha biển từ tàu biển hết hạn theo phân cấp 2, 3 được duy tu, sửa chữa, có những tàu sông pha biển được đóng lại từ tàu biển hạn chế 3 trở lên đã hết thời hạn lưu hành, lại được kéo dài khung tàu để chở được nhiều hàng. Nếu trước đây tải trọng của tàu biển là 3.000 tấn thì khi thiết kế lại thành tàu sông pha biển lại được nâng lên 5.000 tấn, hay tàu 5.000 tấn nâng lên 8.000 tấn. Tàu đã cũ, công suất yếu, nay lại phải tải số hàng hóa nhiều hơn nhiều thì tai nạn xảy ra chỉ là vấn đề thời gian”, ông Trí khẳng định.

Bên cạnh những nguyên nhân này, Cục Hàng hải Việt Nam còn đưa ra các nguyên nhân như một số trường hợp hoa tiêu dẫn tàu cũng như thuyền trưởng chủ quan, chưa thật sự mẫn cán, chưa chấp hành các nội quy cảng biển khi điều động tàu trong vùng nước cảng biển dẫn đến tình huống quá cận gây va chạm với cầu cảng hoặc đâm va với phương tiện khác. Trong nhiều trường hợp khi tai nạn xảy ra, sau khi tiến hành công tác cứu nạn cho thấy số lượng người đi trên tàu sai lệch với danh sách thuyền viên khai báo khi làm thủ tục rời cảng, như vậy vẫn còn tồn tại hiện tượng gian lận trong việc bố trí thuyền bộ, khai báo hành khách.

Siết chặt quản lý

Để hạn chế tai nạn hàng hải trong năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn hàng hải. Theo đó, Cục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật hàng hải, đặc biệt là quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển cho ngư dân, thuyền viên điều khiển phương tiện đường thủy nội địa, tổ chức các cuộc họp Hội thảo chuyên đề với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn liên quan đến tàu cá trên biển.

2-2-1448412729_WXOM
Trong năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan siết chặt quản lý, giám sát tàu biển. (Ảnh nguoiduatin)

Liên quan đến tình trạng kỹ thuật tàu biển không an toàn, Phó cục trưởng Nguyễn Hoàng cho biết, Cục sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong công tác kiểm tra tàu biển, kiên quyết không cấp phép rời cảng cho những tàu không đủ điều kiện an toàn, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các tàu biển mang cấp hạn chế hoạt động trên biển.

“Cục chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải phối hợp chặt chẽ với biên phòng cửa khẩu cảng và các đơn vị liên quan tiếp hành kiểm tra danh sách thuyền viên, xử lý nghiêm tình trạng gian lận trong việc bố trí thuyền bộ, hành khách trên tàu. Các Cảng vụ hàng hải khu vực có công trình thi công cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án điều tiết giao thông, cập nhật, điều chỉnh bổ sung kịp thời phương án điều tiết đã được phê duyệt phù hợp với tình hình hoạt động hàng hải khu vực, kiên quyết không để xảy ra tai nạn trên công trường”, Phó cục trưởng nói.

Đồng thời, năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT về công tác ATGT bảo hoàn thành Năm an toàn giao thông 2018; tổ chức tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng công tác phổ biến tuyên truyền , kết hợp với kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải đối với các đối tượng liên quan trong hoạt động hàng hải, đặc biệt là các phương tiện SB; thủy nội địa và tàu cá. ..

Cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng trong việc thực hiện công tác an ninh hàng hải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng biển; tiếp tục triển khai Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng và xám của Tokyo MOU; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai nghiêm túc chế độ trực ban 24/7 để thu nhận và xử lý kịp thời tất cả các thông tin báo nạn, sự cố nhận được.

Ý kiến của bạn

Bình luận