Vì sao Tổng thống Hàn Quốc sốt sắng đàm phán với Triều Tiên?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 21/07/2017 14:50

Lo sợ hậu quả thảm khốc nếu nổ ra xung đột quân sự là một trong nhiều nguyên nhân khiến Tổng thống Hàn Quốc muốn đàm phán với Triều Tiên.

f-moonvisit-a-20170626-9678-1500353704_bbml

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters.

Đối mặt với một Triều Tiên dường như ngày càng khó đoán và năng lực quân sự liên tục gia tăng, chính phủ mới của Hàn Quốc lựa chọn phương pháp tiếp cận khá truyền thống: đối thoại.

Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk thông báo về đề xuất trên hôm 17/7, gợi ý rằng đại diện mỗi nước có thể gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới để bàn thảo về các vấn đề quân sự và nhân đạo. Nếu Triều Tiên đồng ý, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2015, theo Washington Post.

Tin tức xuất hiện giữa bối cảnh Triều Tiên gần đây có nhiều bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý hơn cả, Bình Nhưỡng hôm 4/7 phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Alaska, Mỹ. Tuy nhiên, đàm phán lâu nay vẫn là lựa chọn ưu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi xử lý vấn đề Triều Tiên.

"Tôi sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi những điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề hạt nhân được đảm bảo", ông Moon hồi tháng 5 cho biết.

Chuyên gia nhận định sự sốt sắng muốn đối thoại với Triều Tiên ở Tổng thống Hàn Quốc bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính.

Xung đột quân sự là thảm họa

Quốc tế đang rất chú ý tới chương trình vũ khí hạt nhân và công nghệ phát triển tên lửa của Triều Tiên. Nỗi lo lắng về việc Triều Tiên có thể phóng vũ khí hạt nhân vươn tới đất liền Mỹ mang đến cho Bình Nhưỡng khả năng răn đe hữu hiệu trước mọi hành động quân sự.

Đối với Seoul, nỗi lo lắng ấy lúc nào cũng hiện hữu. Thủ đô Hàn Quốc chỉ cách khu phi quân sự liên Triều (DMZ) gần 50 km. Thành phố 25 triệu dân này hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công của pháo binh Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng quyết định sử dụng chúng, Seoul sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi.

Một nghiên cứu hồi năm 2012 ước tính khoảng 64.000 người ở Seoul sẽ thiệt mạng chỉ trong ngày đầu tiên bị pháo kích. Thậm chí nếu Hàn Quốc và đồng minh Mỹ nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng pháo binh Triều Tiên, họ vẫn không thể ngăn chặn thảm kịch chết chóc xảy ra.

Tệ hơn, Triều Tiên hiện sở hữu vũ khí hạt nhân dường như có thể gắn lên tên lửa và thừa sức vươn tới Hàn Quốc. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột với hậu quả khủng khiếp.

Trừng phạt không phát huy tác dụng

Các đòn trừng phạt kinh tế, thay vì gây sức ép về quân sự, từng được kỳ vọng sẽ là phương cách hữu hiệu ngăn chặn Triều Tiên chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế là Bình Nhưỡng đã phải chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt suốt những năm qua và không có dấu hiệu nào cho thấy họ muốn ngừng chương trình hạt nhân. Ít nhất đến nay, trừng phạt không phát huy hiệu quả.

Bình Nhưỡng đã thuần thục trong việc lách những giới hạn về kinh tế nên "các lệnh trừng phạt chỉ mang đến tác động hời hợt", ông Ri Jong Ho, cựu quan chức trốn chạy khỏi Triều Tiên vào năm 2014, cho hay. 

Dù vậy, trừng phạt vẫn là biện pháp mà Mỹ ưu tiên lựa chọn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mong muốn gia tăng hiệu quả các biện pháp trừng phạt bằng những phương thức sáng tạo hơn, ví dụ như nhằm vào hàng loạt cá nhân, tổ chức Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên. Nhưng khả năng Bắc Kinh đồng thuận hoàn toàn trước các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng là vô cùng nhỏ nhoi, cây bút Adam Taylor từ Washington Postđánh giá.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn ủng hộ trừng phạt. Phát biểu tại Berlin, Đức, không lâu sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7, ông Moon cũng đề xuất gia tăng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên. Song ông đồng thời còn muốn cải thiện quan hệ cùng Bắc Kinh, bên đang bất đồng với Seoul vì hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ đặt tại Hàn Quốc.

Bài học từ quá khứ

Ông Moon không phải tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tìm kiếm các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Hai cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng áp dụng cái được gọi là "Chính sách Ánh dương" trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2008. Chính sách trên hướng tới mục tiêu làm dịu lập trường của Seoul trước Bình Nhưỡng, khuyến khích tương tác chính trị cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế. Moon hiểu rõ "Chính sách Ánh dương" bởi ông từng là quản lý chiến dịch tranh cử, cố vấn thân cận của cựu tổng thống Roh.

Sau 10 năm nỗ lực hòa giải, nhiều người cho rằng "Chính sách Ánh dương" đã thất bại. Theo các nhà phê bình, Triều Tiên đã lợi dụng chính sách này để hưởng những lợi ích kinh tế nhưng không thực sự nhượng bộ trước một số khía cạnh quan trọng như chương trình hạt nhân hay nhân quyền.

Dưới thời tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye, hầu hết các điểm mấu chốt của "Chính sách Ánh dương" đều bị bỏ qua. Nhưng nay, chính sách này có thể được xem xét lại.

Theo kết quả từ một cuộc khảo sát gần đây, 76,9% người Hàn Quốc ủng hộ việc nối lại đối thoại liên Triều. Chưa rõ họ sẽ cảm thấy thế nào nếu Seoul phải nhượng bộ quá nhiều trước Bình Nhưỡng và Triều Tiên có thể không tuân thủ các cam kết đã thống nhất. Song hiện giờ, ngươi Hàn Quốc dường như thấy rằng đàm phán là lựa chọn tốt hơn cả, Taylor nhận xét.

Ý kiến của bạn

Bình luận