Ảnh minh họa |
Không thể dễ dàng khẳng định liệu giữa Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại. Trái ngược với chiến tranh thông thường, không chính phủ nào tuyên bố một cuộc chiến đã chính thức bùng nổ. Xưa nay, thuế quan luôn được điều chỉnh tăng hoặc giảm, vì cả lý do tốt lẫn xấu.
Ngay cả khi nó có tác động xấu thì việc tăng thuế không phải lúc nào cũng dẫn đến hành động trả đũa, theo nhận định của Giáo sư kinh tế Barry Eichengreen thuộc Đại học California và từng làm cố vấn chính sách cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông lấy ví dụ, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon áp phụ thu nhập khẩu 10% trong năm 1971, hành động này vi phạm cả Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO) và luật pháp Mỹ.
Nhưng thực tế luôn có nguy cơ xảy ra những việc ngoài tầm kiểm soát. Trung Quốc đã nêu rõ ý định đáp trả các hành động của Mỹ. Mới đây nhất, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 tuyên bố áp thuế lên thêm 100 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh phản ứng lại hành động của chính ông trước đó, điều này cho thấy lo ngại diễn biến xấu là có cơ sở.
Đầu tiên, ông Trump đã miễn trừ một loạt nước gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, EU, Mexico, và Hàn Quốc khỏi danh sách các nước chịu thuế nhôm và thép, nhằm giảm thiểu tác động đến các nước và các ngành sử dụng kim loại trong nước.
Chính phủ các nước và cộng đồng doanh nghiệp trong nước phản đối mức thuế ban đầu, kể cả thị trường chứng khoán cũng phản ứng tiêu cực.
Sau đó, mọi phản ứng của Trung Quốc đều được cân nhắc một cách cẩn thận, hầu như trong từng trường hợp đều tương ứng với hành động của Mỹ. Thật vậy, nếu họ phản ứng nhẹ sẽ được coi là e sợ sự khiêu khích của Mỹ, nếu cứng rắn hơn sẽ bị coi là hành động leo thang nguy hiểm.
Một số người cho rằng lãnh đạo Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc kiềm chế vì họ đang thặng dư thương mại với Mỹ, nên sẽ thua thiệt nếu thương mại song phương tổn hại.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có động cơ lớn hơn.
Vì có tỷ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn Mỹ nên họ quan tâm hơn đến việc duy trì hệ thống thương mại toàn cầu. Bằng cách không làm cho tình hình leo thang, Trung Quốc đang tránh gây nguy hiểm cho thương mại của họ.
Thêm nữa, bằng việc khiếu nại lên WTO, họ tự khẳng định mình tuân thủ nguyên tắc thương mại tự do và cởi mở. Họ thể hiện tinh thần lãnh đạo mang tính xây dựng trong một hệ thống đa phương.
Ở khía cạnh các nước phải dựa vào Trung Quốc để duy trì giao thương, họ dường như không phản đối các sáng kiến chiến lược khác của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều nơi khác.
Vào ngày 3/4, chính quyền Trump đã tuyên bố ý định áp đặt thuế quan lên 50 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc như đòn cảnh cáo cho gián điệp công nghiệp, gây khó trong cấp phép và vi phạm sở hữu trí tuệ mà Mỹ cáo buộc. Rõ ràng, những động thái này lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với tác động đến 3 tỷ USD của nhôm thép Trung Quốc.
Điều trớ trêu là mối quan ngại về sở hữu trí tuệ của Mỹ lại có lý. Tuy nhiên, cả những mối quan ngại này hay sự trả đũa của Trung Quốc đều không khiến Mỹ được cảm thông, bởi lý do Mỹ đưa ra cho việc áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu là an ninh quốc gia.
Liệu có thể tránh được điều tồi tệ nhất không? Trước mắt vẫn còn thời hạn 60 ngày lấy ý kiến để biết đề xuất đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của chính phủ có hiệu lực hay không. Thời gian này là cơ hội cho chính phủ các nước, giới doanh nghiệp, và thị trường chứng khoán phản pháo lại chính quyền Trump.
Khi cảm thấy tình hình căng, chính quyền Trump có thể chọn điều chỉnh chính sách sở hữu trí tuệ giống như từng làm với việc đánh thuế nhôm thép. Thay vì áp đặt thuế quan rộng rãi, Mỹ có thể điều chỉnh hành động của mình để phù hợp với một cuộc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Chính quyền Mỹ có thể yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ từ chối đề xuất của các công ty Trung Quốc đầu tư vào những lĩnh vực Mỹ nắm nhiều sở hữu trí tuệ có giá trị, hoặc cũng có thể khiếu nại lên WTO. Cần lưu ý rằng, hồi tháng 3 Mỹ từng khiếu nại lên WTO về các hoạt động cấp phép công nghệ của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc nên bình tĩnh và chắc chắn. Đồng thời, nước này cũng nên thể hiện sự sẵn lòng giải quyết các mối quan ngại chính đáng của Mỹ khi Nhà Trắng chọn cách tiếp cận vấn đề thông qua WTO, bằng cách nới lỏng các quy tắc liên doanh và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Với những ai hay bi quan thì nên vui vì phía sau cuộc khẩu chiến thương mại, hai cường quốc kinh tế thế giới vẫn đang đàm phán.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.