Ảnh minh họa. |
Ở thung lũng Silicon, các công ty thu hút tài năng trên khắp thế giới bằng chính sách lương cao, thức ăn miễn phí, cho giặt đồ trong trụ sở… Thế nhưng Uber, startup mới 6 năm tuổi và có giá trị thị trường khoảng 68 tỷ USD, lại không sử dụng những thứ bổng lộc thông thường đó để thu hút nhân viên. Trên thực tế, dù nổi tiếng là bắt nhân viên phải làm việc nhiều giờ, và làm việc tại Uber khó cân bằng công việc - cuộc sống, Uber đã "dụ dỗ" thành công một số tài năng bậc nhất rời bỏ Google, Facebook, và Twitter, để về đầu quân cho mình.
Dù sức tăng trưởng chóng mặt của công ty có thể gây ra sự mệt mỏi, nhân viên Uber thừa nhận rằng, Uber đã trao cho họ những cơ hội không đâu có được: Tăng trưởng với tốc độ của những quả tên lửa, cơ hội để giải quyết các vấn đề của thế giới thực, và một văn hoá cho phép họ thoải mái thử nghiệm các giải pháp trong một lĩnh vực nào đó đang phát triển. "Tôi thích sử dụng phép loại suy của kim cương, phương pháp ép bằng nhiệt và lực trong hàng ngàn năm. Những ai có thể thực sự tồn tại và đi ra từ đó sẽ trở thành kim cương" - CTO Thuan Pham của Uber chia sẻ.
Thủ phủ Uber ở San Francisco được rải bằng bóng bay hình kỷ niệm sinh nhật 1 năm gắn vào bàn nhân viên - một dấu hiệu cho thấy công ty đã bổ sung một lượng nhân viên khổng lồ. Uber hiện có 10.000 nhân viên làm việc full-time (không phải lái xe) và hoạt động ở hơn 500 thành phố của 70 quốc gia. "Nếu có nhân viên nào đó sắp chuyển đi, sự việc sẽ diễn ra trong năm đầu tiên làm việc của họ, và nguyên nhân là bởi tốc độ tăng trưởng không như họ kỳ vọng hay không được như trước đó" - Neal Narayani, Giám đốc về Phân tích con người của Uber cho biết.
Trong số những người rời công ty trong vòng 12 tháng kể từ ngày làm việc có Melanie Curtain. Từng làm việc tại trụ sở Uber ở Washington DC, văn phòng quản lý cộng đồng năm 2013. Cô so sánh văn hoá của Uber giống như những chú vịt trên hồ nước: mọi thứ trông rất thanh bình ở phía trên nhưng hoạt động không biết mệt mỏi phía dưới. "Làm việc tới giữa đêm và vào những ngày cuối tuần là những điều hoàn toàn bình thường. Văn hoá ở đây không phải là sự áp đặt. Nó chỉ tự động được hình thành và tồn tại. Tôi biết tôi đang đi vào đâu, nhưng nó không dành cho tôi".
Tuy nhiên, Uber vẫn chưa thể sánh được với các ông lớn khác. Trên trang đánh giá công việc Glassdoor, Uber chỉ đạt trung bình 4,2 sao, trong khi Facebook đạt 4,5 và Google là 4,4.
Tốc độ tăng trưởng của một quả tên lửa
Khi CEO Travis Kalanick ra mắt Uber tháng 3/2009, công ty đối mặt với những thách thức khổng lồ. Uber phải tìm cách làm hài lòng các cơ quan quản lý tại khu vực họ hoạt động, phải tìm được những lái xe uy tín, cũng như phát triển một lượng lái xe "cứng" cho mình và mở rộng nó ra ở một quy mô lớn.
Uber cũng bị nghi ngờ về đạo đức nghề nghiệp, khi nhân viên công ty bị tố giả vờ làm khách hàng của Lyft (dịch vụ đối thủ cạnh tranh) rồi huỷ chuyến đi, dụ dỗ lái xe của Lyft sang làm việc cho mình. Các phóng viên đưa tin về vụ việc này thì bị Uber đe doạ. Gần đây, một đơn kiện tố nhân viên công ty đã sử dụng dịch vụ để theo dõi những người nổi tiếng cũng như các chính trị gia.
Dù dính vào những scandal rất ồn ào đó, Uber vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt. Uber nổi lên từ gốc là một công ty "tự thân tự lập", nhưng văn hoá và sức phát triển về sau thì dường như không thay đổi so với những ngày đầu. Một ví dụ như không lâu sau khi Andi Pimentel - Chánh văn phòng rồi Giám đốc kinh doanh - gia nhập Uber năm 2012, CEO Kalanick gặp cô và biết rằng cô đến từ Mexico City. Kalanick muốn Pimentel giúp đỡ ra mắt Uber tại đây.
Cùng với 4 đồng nghiệp, cô đặt vé đi Mexico City. Nhóm đã giải thích cho các lái xe cá nhân cách thức hoạt động của Uber, tuyển dụng lái xe và dịch ứng dụng sang tiếng Tây Ban Nha. Mexico City sớm trở thành thị trường đầu tiên của Uber ở Mỹ - Latin.
"Chúng tôi giờ đây phức tạp hơn nhiều, nhưng những thứ như vậy đã hấp dẫn mọi người đến với Uber. Bà tôi không thể lái xe và giờ đây Chủ nhật nào cũng dùng Uber để đến các cửa hàng tạp hoá ở Mexico City. Những gì bạn đang làm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mọi người" - Pimentel cho biết.
Khi Pham, CTO của Uber, gia nhập công ty từ hãng quản lý đám mây VMware năm 2013, ông có một sứ mệnh: đảo ngược (Re-engineer) code của ứng dụng để nó có thể xử lý được lượng dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Do ứng dụng Uber ban đầu chỉ được phát triển bởi một số kỹ sư có ít năm kinh nghiệm, nền tảng của nó không phù hợp cho việc mở rộng quy mô.
"Uber có được sự phát triển cũng như trở thành kẻ đi đầu là nhờ công ty tạo ra được áp lực thời gian. Nó buộc chúng tôi phải học hỏi nhanh chóng và thực hiện mọi thứ ở mức độ cao" Pham cho biết.
Khi công ty phát triển, Kalanick tham gia vào hoạt động của hầu hết các bộ phận. Ông được mô tả là một lãnh đạo gần gũi, tuy nhiên, Pham cũng nói rằng CEO Uber vẫn trao quyền tự chủ cho những người mà ông tin tưởng. "Kalanick điều hành mọi thứ thực sự nghiêm túc và ông có những kỳ vọng rất cao" - Pham cho biết.
Cân bằng công việc - cuộc sống
Trong thời gian đầu hoạt động, lực lượng lao động chủ yếu của Uber là những người chưa lập gia đình và không có con cái, cho phép nhân viên có nhiều thời gian ở văn phòng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi công ty phát triển và mở rộng.
Pham phải di chuyển mất 5 tiếng mỗi ngày tới San Jose rồi về nhà, đã tìm cách có mặt ở nhà lúc 9 giờ tối để gặp con gái 10 tuổi trước khi đi ngủ.
"Thi thoảng tôi online sau đó" - Pham cho biết, đồng thời giải thích rằng gia đình anh không thể chuyển chỗ ở do phòng khám của vợ anh nằm ở San Jose. "Sẽ rất khó để cân bằng mọi thứ. Tôi đưa con gái tới trường học vào buổi sáng, còn vợ sẽ đón con buổi chiều"
Janelle Sallenave, người phụ trách hoạt động hỗ trợ của Uber khu vực Bắc Mỹ thổ lổ rằng, thời điểm khó khăn nhất tại công ty xảy ra vào mùa thu năm ngoái, không lâu sau đợt làm mới ứng dụng. Sau khi cô phản ánh với Kalanick rằng dịch vụ khách hàng của ứng dụng khá chậm chạp, công ty xác định rằng tiến độ công việc phải được đẩy nhanh tới hơn 50 lần.
"Kalanick nói rằng ông ấy cũng gặp những vấn đề này, và chúng tôi sẽ giải quyết nó vào tuần sau" - cô cho biết. "Nó giống như việc làm mới hoàn toàn ứng dụng từ đầu. Lúc này cảm giác mệt mỏi và phấn khích đến cùng một lúc. Trong 1 tuần, chúng tôi phải làm một việc mà nếu ở nơi khác phải mất tới 4 đến 5 tháng để hoàn thành".
7 ngày sau, các yêu cầu của khách hàng gửi tới đội của Sallenave được chuyển cho đúng chuyên gia xử lý - chỉ trong vòng ít phút - bất kể chuyên gia đó đang làm việc ở văn phòng nào.
"Uber giống như một con tàu tên lửa. Khi chúng tôi thấy có khả năng giúp 1 nền tảng phát triển, chúng tôi nắm bắt cơ hội và bắt tay vào làm".
Trước khi sang Uber, Sallenave gây shock cho đồng nghiệp khi cô quyết định nghỉ việc tư vấn nghề nghiệp tại Charles Schwab. Cô cũng bàn luận với chồng về công việc mới, về những tác động của nó tới cuộc sống gia đình. Giờ đây, cô không thể ăn tối cùng gia đình một vài lần trong một tháng, tuy nhiên, cuộc sống cá nhân và công việc của cô vẫn được cân bằng bằng cách tập trung công việc khi ở công sở và tập trung cho việc nhà khi ở nhà.
"Uber trên thực tế rất ấm áp, thân thiện và tuyệt vời. Nó không phải là một 'sào huyệt' chỉ dành cho đàn ông như những gì người ta nhìn vào. Con người ở đây thông minh và họ làm cho tôi muốn được thông minh hơn".
Dù vậy cũng phải nói rằng, mặt tiêu cực phổ biến nhất trên trang Glassdoor của Uber chính là sự mất cân bằng công việc - cuộc sống. Một cựu nhân viên của Uber chia sẻ bí mật rằng nhiều kỹ sư than phiền về việc bị vắt kiệt sức lao động. Họ cũng khó để không chấp nhận các yêu cầu mà công việc đặt ra.
"Uber đang trải qua những 'cơn đau' ngày càng tăng khi tìm cách chuyển mình từ một công ty chủ yếu là phân cấp sang 1 công ty trưởng thành hơn, tập trung hơn, và cần hỗ trợ những con người của họ tốt hơn" Nhân viên này chia sẻ. "Đặc tính tự do chủ nghĩa của Travis ăn sâu vào văn hoá công ty: thành công của bạn chủ yếu phần lớn phụ thuộc vào khả năng của bạn trong việc đánh bật, thúc cùi chỏ vào tay người khác trên con đường đến thành công".
Tìm kiếm sự cân bằng thích hợp
Uber đặc biệt quan tâm đến việc thuê các cựu doanh nhân, với số lượng nhân viên như vậy hiện tại là 200 người. Trước khi gia nhập Uber, Ed Baker, Phó Chủ tịch phát triển - đã sáng lập ra 2 trang web hẹn họ (một trang bị Facebook thâu tóm năm 2011 nhưng không rõ với giá bao nhiêu).
Baker sau đó dành 2 năm làm việc tại Facebook và tập trung vào việc phát triển sản phẩm tại các thị trường có tính cạnh tranh cao như Nhật Bản và Nga.
"Tôi không dự định nghỉ việc ở Facebook, nhưng tôi bị Uber hấp dẫn bởi nó là nơi các doanh nhân được là chính mình" - Baker cho biết. Ông về làm cho Uber sau cuộc gặp với Kalanick tại buổi nói chuyện về "tắc nghẽn ý tưởng" mà CEO Uber tổ chức tại nhà riêng.
"Uber ngày nay có lẽ đang trải qua cảm giác của Facebook cách đây nhiều năm. Công ty còn nhỏ và còn nhiều hỗn loạn bởi chúng tôi đang phát triển quá nhanh và có quá nhiều chuyện diễn ra, và bạn phải cảm thấy thoải mái với tình trạng đó" - Baker chia sẻ.
Để chọn các ứng viên có background phù hợp và nhân cách tốt, Uber xây dựng một thuật toán nội bộ cho đội tuyển dụng đồng thời kết hợp với một quá trình rà soát sâu rộng.
"Tôi thích những câu trả lời thô. Tôi tránh xa những người quá chăm chút cho câu trả lời" - Komal Mangtani, Giám đốc kỹ thuật của Uber cho biết.
Trong khi nhân viên ở các công ty khác có thể làm việc chăm chỉ do quản lý khuyến khích họ làm thế, Mangtani nói rằng cách tiếp cận của Uber lại khác.
"Có những vấn đề của thế giới thực cần được giải quyết, từ sự cố về an toàn hay đảm bảo lái xe được trả lương đúng hẹn để họ có thể trả tiền thuê nhà" - Mangtani cho biết.
Curtain, một cựu nhân viên của Uber, thì cho rằng Uber có tham vọng "giành chiến thắng" ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm thu hút lẫn giữ chân nhân tài.
"Cách đây nhiều năm, một nhân viên cấp cao thảo luận về chính sách chăm sóc sức khoẻ của Uber trong một cuộc họp. Chúng tôi không bao giờ muốn mất tài nằn vào tay công ty khác bởi vì họ có chế độ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn" - cựu nhân viên này chia sẻ.
"Ấn tượng của tôi không ở mức là công ty muốn chăm sóc sức khoẻ nhân viên, mà họ tìm cách có và giữ lại những người giỏi nhất. Đúng vậy, họ muốn đảm bảo cấp quản lý của mình được chăm sóc cẩn thận, nhưng họ cũng muốn giành chiến thắng ở tất cả mọi thứ".
Nhân viên tự giải quyết các vấn đề
Dù có được thành công, Uber vẫn dính vào rất nhiều tranh cãi. Maya Choksi, Giám đốc sản phẩm cấp cao của Uber, chứng kiến việc Uber phải đối mặt với hàng tá vấn đề kể từ khi cô làm ở công ty năm 2012. "Thời điểm khó khăn nhất của tôi liên quan đến các thông tin tiêu cực trên truyền thông. Truyền thông không phản ánh chính xác những gì xảy ra trong văn phòng công ty, hay những việc mọi người đang cố gắng làm. Các ý định có thể bị hiểu sai" - cô chia sẻ.
Những thông tin xấu trong thời gian qua bao gồm việc Uber phản ứng với lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Công ty tắt tính năng tăng giá trong một cuộc biểu tình ở sân bay JFK ở New York City, trong một động thái giúp người biểu tình dễ dàng gọi xe về nhà. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hãng lợi dụng cuộc biểu tình của các tài xế taxi này để làm ăn. Từ khoá xoá ứng dụng Uber (#DeleteUber) trở nên phổ biến trên các mạng xã hội khiến Uber phải đối mặt với tình trạng cùng lúc mất hàng loạt khách hàng.
Tuy nhiên, Choksi nói rằng các bộ phận của Uber phải xử lý những sự cố này theo cách của cá nhân. Cô dẫn ra 1 ví dụ: Uber từng dự định sẽ thu phí người đi xe khi họ bắt tài xế phải chờ đợi, với mong muốn tài xế được đền bù xứng đáng. Tuy nhiên, khách hàng không hài lòng, và tiếp theo đó là những dòng tít tiêu cực trên báo.
"Những thông tin đó rõ ràng là không dễ chịu chút nào. Tôi nhận được cuộc gọi từ gia đình hỏi rằng, có phải Uber như vậy không'. Và bạn cảm thấy là bạn sẽ phải tự bảo vệ mình".
Nhưng Choksi, giống nhiều nhân viên khác của Uber, nói rằng mọi chuyện không khiến cho Uber suy yếu. "Chúng tôi đang giải quyết các vấn đề trong bối cảnh không có một hình mẫu nào để nhìn vào. Chúng tôi được khuyến khích 'nhanh chóng thất bại' để học hỏi và giải quyết các sự cố" - Choksi cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.