Vì sao vẫn còn tồn tại 10% xe quá khổ, quá tải?

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 09/01/2018 11:31

Thời gian vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số lượng xe quá khổ, xe quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải đã có biểu hiện tái diễn, lưu thông đường dài trên các quốc lộ: QL.1, QL.2, QL.3, QL.6, QL.14, QL.18, QL.19, QL.20, QL.32, QL.51, đường Hồ Chí Minh… và một số tuyến đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa.


hinh-1-1028
Xe chất hàng cao chót vót, ngang nhiên hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh: Văn Quyết)

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết hiện tượng này còn tồn tại một phần là do việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành của địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm. Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ kiểm tra trọng tải xe hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Một số Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thi công, Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, clinker, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm, nguyên nhân là do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã rút không phối hợp tại các Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, do thiếu lực lượng và vướng mắc quy định nên lực lượng Thanh tra các Sở GTVT chỉ kiểm soát tải trọng phương tiện trong phạm vi quản lý, các Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động đã rút, không kiểm soát trên các quốc lộ chính, chỉ kiểm soát trên đường địa phương và quốc lộ ủy thác.

“Hiện nay, công tác xử lý xe quá khổ, quá tải còn gặp một số khó khăn bởi các chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông. Kinh phí cấp chi cho hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện của các Sở GTVT, các Cục QLĐB, các Trạm kiểm tra trọng tải xe rất thấp (dưới 01 tỷ đồng/năm như: Bình Định, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Phú Yên…); các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất khó khăn, chế độ chính sách thấp hoặc không có, không thống nhất, đây là những khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, ông Huyện cho biết.

Ngoài ra, theo Tổng cục ĐBVN, lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông khác, nên chưa thể kiểm soát được các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương có xe quá tải lưu thông, khi thay ca một số lái xe lợi dụng vượt Trạm kiểm tra trọng tải xe. Và công tác kiểm tra còn khó khăn về vị trí mặt bằng đủ điều kiện đặt bàn cân, đủ rộng để dừng xe đảm bảo an toàn (độ bằng phẳng, bề rộng mặt đường…), khi mưa lớn, nắng nóng, nhà, mái che không có, số lượng xe vào cân kiểm tra nhiều, trình độ lực lượng vận hành, quản lý thiết bị cân hạn chế, nên thiết bị hay bị hư hỏng. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn đang được hoàn thiện, lực lượng chức năng của các Sở GTVT chỉ hoạt động trên đường địa phương và các quốc lộ do Tổng cục ĐBVN ủy thác.

Trước những khó khăn ấy, theo ông Nguyễn Văn Huyện, năm 2018, Tổng cục ĐBVN sẽ tham mưu, đề xuất, làm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của lực lượng Thanh tra giao thông, đặc biệt Thanh tra giao thông ở Tổng cục ĐBVN; quy định về chức danh và chế độ đãi ngộ của lực lượng làm việc tại các Trạm kiểm tra trọng tải lưu động, cố định. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến kiểm soát tải trọng xe, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

"Tổng cục ĐBVN tiếp tục chỉ đạo Lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT, Công chức Thanh tra GTVT của các Cục QLĐB chủ động nắm bắt tình hình, thông qua phản ánh của báo chí và người dân và căn cứ tình hình thực tế, chủ động có kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các tuyến giao thông, kiểm tra hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và kích thước thành thùng xe; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Và tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 12885/KH-BGTVT, Kế hoạch 6478/KH-TCĐBVN, Quyết định 1885/QĐ-TTg liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng xe", Tổng cục trưởng cho biết thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận