VinGroup Japan làm việc với Hiệp hội học thuật người Việt tại Nhật và Hội các chuyên gia người Việt tại Nhật. |
Hiện nay, với nền tảng khoa học kỹ thuật mạnh, Nhật đang rất muốn chuyển mình nhanh chóng để giữ được vị thế hàng đầu của mình trong các nước công nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, tình hình dân số ngày càng già hóa, mô hình kinh doanh truyền thống kiểu cống hiến trọn đời, ngành sản xuất coi trọng sự tỉ mỉ, khéo tay, dựa vào kinh nghiệm của các nghệ nhân đang dần dần thiếu đội ngũ kế thừa và sức cạnh tranh yếu đi sẽ không kịp với những biến đổi ngày càng nhanh của thế giới số, với sự hỗ trợ ngày càng tích cực của IT, AI. Không những nguồn nhân lực sản xuất, mà nhân lực nghiên cứu viên trẻ trong các Viện, trường Đại học của Nhật cũng đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn trước. Chính vì vậy mà đội ngũ nghiên cứu người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và giữ vai trò trọng yếu trong các Viện, Trường của Nhật.
Những ngành trước đây được xem là bí mật quốc gia của Nhật như ngành vật liệu cũng phải tiếp nhận thêm nhiều nghiên cứu viên nước ngoài cùng tham gia vào đội ngũ nghiên cứu.
Sau khoảng thời gian gần 20 năm qua, từ những lứa sinh viên ít ỏi đầu tiên sang Nhật du học, hiện nay số lượng trí thức Việt Nam tại Nhật đã lên đến con số hơn 30.000 người. Những trí thức này trải rộng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề và môi trường làm việc. Từ những Viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản như AIST (Viện nghiên cứu công nghệ kỹ thuật tiên tiến quốc gia), NIMS (Viện nghiên cứu vật liệu quốc gia), Viện nghiên cứu Toyota, các trường hàng đầu như Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Osaka,... đến các Tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Google, Qualcomm, Intel, IBM, Toyota, Sony, Hitachi, Mitsubishi, các công ty về công nghệ thông tin, thương mại điện tử như Rakuten, Bizreach, Line. Và cũng có không ít những Startup về công nghệ của người Việt đã ra đời và phát triển mạnh mẽ tại Nhật. Cũng có những công ty như Công ty thiết bị y tế Metran của chú Trần Ngọc Phúc, công ty đã được đích thân Nhật hoàng đến thăm; hoặc Giáo sư Trần Văn Thọ, đã từng làm cố vấn kinh tế cho nhiều đời thủ tướng Nhật.
Tất cả những điều này đã làm cho vị thế của người Việt tại Nhật ngày càng được nâng cao hơn trước. Người Việt ở Nhật không chỉ là lao động chân tay với mức lương thấp, hoặc du học sinh, mà đang dần dần đóng góp một vai trò quan trọng hơn vào nền kinh tế của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, hàng loạt Hội nhóm của người Việt trẻ đã ra đời, như VANJ (Hiệp hội học thuật người Việt tại Nhật), VPJ (Hội các chuyên gia người Việt tại Nhật), VJAI ( Hội người Việt nghiên cứu AI tại Nhật), iSempai (Hội các đàn anh đi trước ). Và những hội đã ra đời trước đó như Betoaji (Hội giới thiệu về các mó năn Việt Nam tai Nhật), VYSA (Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật), cùng với sự kiện toàn hoạt động của Hội người Việt tại Nhật VAIJ. Đây là những tín hiệu về sự phát triển của các cộng đồng người Việt tại Nhật, thúc đẩy nhu cầu cần có một không gian, một sân chơi lớn hơn để các Hội nhóm có thể có những hoạt động chung, đóng góp ngày càng mạnh mẽ hơn cho mối quan hệ Việt - Nhật, cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật nói chung và đặc biệt là cho sự phát triển kinh tế, công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ tiếp theo, thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đem lại lợi ích cho cả 2 quốc gia để đồng thời giải quyết những bài toán mà chính phủ cả 2 nước đang đau đầu, trên con đường đi đến một xã hội phát triển bền vững, vị nhân sinh.
VinGroup Japan luôn sẵn lòng hỗ trợ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng của người Việt tại Tokyo (như Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo - VSC 2019, Vietnam Summit in Tokyo 2019). Đặc biệt, VinGroup Japan đang cùng các nhà khoa học tại đây và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nghiên cứu, triển khai việc thành lậpTrung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản dự kiến sẽ hình thành trong năm 2020.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.