Vị vua duy nhất kể chuyện đời mình trên bia đá

Xã hội 09/02/2016 13:21

Bia đá nặng đến 20 tấn, khắc 4.935 chữ Hán do vua Tự Đức viết ở cả hai mặt là cuốn tiểu thuyết về chính cuộc đời của vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử nhà Nguyễn.

vi-vua-duy-nhat-ke-chuyen-doi-minh-tren-bia-da
Hàng ngày có nhiều đoàn khách đến lăng Tự Đức tham quan, tuy nhiên câu chuyện về cuộc đời vua này chưa được kể đầy đủ. 

Tự Đức tên là Nguyễn Phúc Thì (tự là Hồng Nhậm), là hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, nối nghiệp vua cha Thiệu Trị. Ông là vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn, với 36 năm từ 1847 đến 1883. Dù có đến 103 bà vợ, nhưng vua Tự Đức vì đau ốm liên miên, mắc bệnh đậu mùa nên không có con, đành nhận ba người cháu ruột làm con nuôi.

Năm 1871, vua Tự Đức tự tay soạn thảo tấm bia cho mình - việc lẽ ra phải là của con cái để ca ngợi công đức vua cha. Tấm bia nặng đến 20 tấn, cao hơn 4 m, khắc 4.935 chữ Hán do chính tay vua Tự Đức viết, với tên gọi Khiêm cung ký. Mới đây, Thủ tướng công nhận tấm bia đang đặt tại lăng vua Tự Đức ở phường Thủy Xuân (thành phố Huế) là bảo vật quốc gia.

"Đây là bia lớn nhất nhà Nguyễn để lại, ghi lại cả giai đoạn lịch sử. Việt Nam đối mặt với Pháp, nhà vua chật vật đối phó với thế lực phương Tây nhưng không thành công, đành để mất 3 tỉnh miền Đông, 3 tỉnh miền Tây, rồi dần dần để chủ quyền đất nước rơi vào tay người Pháp", Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế Huỳnh Thị Anh Vân, nói.

Trong Khiêm cung ký, vua kể khi sinh ra đã thường xuyên đau ốm, vú nuôi lại không sạch sẽ. Sợ con vì thế mà tối dạ, mẹ vua là Thái hậu Từ Dũ tự tay ẵm bồng, nuôi nấng. Tuổi thơ của hoàng tử Hồng Nhậm gắn với kỷ niệm cầm than viết lên vách. Đến tuổi để tóc trái đào, Hồng Nhậm được mẹ cho theo thầy đọc sách và biết làm câu đối, thơ văn ngay khi học tiểu học, dù chưa biết thanh luật.

Vua kể, Thái hậu Từ Dũ yêu thương mà nghiêm khắc, hàng ngày thường dạy con cách nói năng, đi đứng cho đúng phép tắc, chứ không để lêu lổng chơi bời. "Mỗi sớm ta ra nhà ngoài học hỏi, gần đứng bóng mới vào. Nếu ta lỡ quên mất hay lười biếng thì người tùy theo đó mà la rầy răn bảo. Nếu ta chưa thuộc thì người khiến ta ngồi ngay ngắn, học cho kỳ thuộc mới thôi. Bằng không, dù có trò vui diễn ra ngay gần trước mắt cũng chẳng cho ta xem", vua kể.

Vua nhận mình từ nhỏ đã hơi sáng dạ nên học các sách khoảng trong nửa ngày đã thuộc, lại cũng nhờ biết kính sợ lời dạy bảo nghiêm khắc mới được như vậy, may ít bị đánh mắng. Bất đắc dĩ, phạm tội nặng quá Thái hậu đánh đòn, nhưng đánh xong mẹ lại khóc.

Nhà vua cũng nhớ trận đòn roi của vua cha khi một lần phạm lỗi: "Người không mấy khi răn dạy, chứ đã răn dạy thì ta cố chí vâng theo". Niềm vui Hồng Nhậm đem lại cho cha là những lần làm được thơ đối. Nhờ ham học và thông minh, Hồng Nhậm được vua Thiệu Trị yêu quý, đi đâu thường dắt theo. Tự Đức theo cha ra Bắc tiếp đoàn ngoại giao. Trên đường về luôn ở cạnh theo hầu, nên hoàng tử sớm được vua cha phong tước công, ra lập phủ riêng và cưới vợ năm 15 tuổi.

Thường vào cung gặp vua cha để hầu cơm hay đối thơ, thỉnh thoảng gặp những văn bản sắc dụ quan trọng, vua Thiệu Trị lại sai Hồng Nhậm dò sửa ngự bút, bởi "các anh em ta người thì lười biếng, người thì còn bé, chỉ riêng ta hơi biết chữ, nên mới được ưu ái như thế". Vua Tự Đức khiêm tốn nói rằng, đó là ơn đức cha mẹ dành cho mình, chứ bản thân khi đó kiến thức chưa sâu rộng. Về sau, sức học của ông tiến bộ dần.

Hồng Nhậm cũng có thú vui bắn cung hay đi săn giống vua cha. Một lần hầu bắn ở vườn cấm, có Thái hậu đi theo, hoàng tử bắn 5 phát đều trúng đích lên được cha mẹ lấy làm vui và hãnh diện. Vua Thiệu Trị khi đó đã nói ẩn dụ rằng Hồng Nhậm sẽ thay mình kế tục ngai vàng.

Hoàng tử Hồng Nhậm nhận mình không để ý đến những kẻ ganh ghét dèm pha, lại ít nói, hay ngượng, có khi cùng vào chầu trong điện nhưng gặp đại thần cũng không nói chuyện, dáng vẻ như đàn bà. Ngay cả những người quen biết cũ cũng ít đi lại. Khí huyết yếu đuối, thân thể ốm gầy, đang lúc tuổi trẻ thanh nhàn mà việc nối dõi khó khăn, không an ủi được tấm lòng mong mỏi của cha mẹ nên Tự Đức thấy hổ thẹn.

Năm 1847, vua Thiệu Trị lâm bệnh rồi qua đời, nhường lại ngai vàng cho Hồng Nhậm. Lấy niên hiệu là Tự Đức, vị vua 19 tuổi lo lắng mình tuổi trẻ, chưa hiểu rõ hết phép tắc và tình đời, sợ không lo nổi việc lớn. Chị gái cũng đột ngột qua đời, vua lo nghĩ nhiều đến nỗi phát bệnh, nằm liệt giường. Sức khỏe vì thế cũng suy kiệt thêm.

Chuyện bị điều tiếng là cướp ngôi của anh trai mình - hoàng tử Hồng Bảo, cũng được vua Tự Đức giãi bày trong Khiêm cung ký. Không tin việc Tự Đức lên ngôi là theo ý vua cha, Hồng Bảo dọa tự tử, muốn đi qua Pháp sống. Được Tự Đức tha lỗi, Hồng Bảo lại tìm cách lật đổ ngai báu và bị kết án tử.

Tự sự trong Khiêm cung ký, vua Tự Đức tỏ ra đau buồn vì câu chuyện hậu cung này. Ông trừng trị Hồng Bảo nhưng nuôi Đinh Đạo (con trưởng của Hồng Bảo). Sau này Đoàn Hữu Trưng lấy dang nghĩa Đinh Đạo gây ra cuộc nổi loạn trong chốn cung cấm, Tự Đức mới giết đi trừ hậu họa.

Khi thực dân Pháp mon men tiến vào bờ biển Việt Nam, Tự Đức rất lo lắng khi dân sống bình yên, không biết đánh trận, thù trong giặc ngoài quấy nhiễu. Vua cho rằng đó là sự trừng phạt nặng nề từ trời cao để cảnh cáo cả vua tôi, vì "ngu mà mong yên ổn, mờ tối không lo phòng bị từ khi việc chưa phát, tôi hay tướng giỏi cũng đã rơi rụng quá nửa, không ai nhắc nhở lời dạy của vua cha về việc đề phòng mặt biển đến giúp ta tránh khỏi chỗ lỗi lầm".

Ông thốt lên: "Ai là người cũng gìn giữ bờ cõi ta, vỗ yên nhân dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh dẹp, nhưng càng đánh dẹp càng loạn, mỏi mệt". Trăn trở tính chuyện giữ nước, những nhà nho lão thành, quan đại thần được sai đi bàn định điều ước. "Nhưng không hiểu vì lý do gì lại dễ dàng lập thành hòa nghị. Bỗng chốc đem cả nhân dân cùng đất đai của các triều nhọc nhằn gây dựng cho giặc hết...", Tự Đức đã phải "nuốt nước mắt, đành chịu tội với tôn miếu và nhân dân". 

Việc càng chồng chất, Tự Đức tự cho mình dùng người không sáng suốt, không xứng đáng, tình hình trong nước lại rối ren, tin chiến trường tới tấp, việc quan bộn bề, vua thêm gầy ốm, mang bệnh, không chăm lo chính sự được. Trăn trở vận nước, Tự Đức thốt lên: "Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo".

vi-vua-duy-nhat-ke-chuyen-doi-minh-tren-bia-da-2
Lăng vua Tự Đức có phong thủy tốt, phía trước nhà vua là một hồ nước uốn lượn theo hình chữ S. 

 

Để chủ quyền đất nước dần rơi vào tay người Pháp, hoàng đế Tự Đức tự nhủ rằng điều ông ngậm ngùi là học chưa thành chí chưa thỏa, danh hão chưa đủ để trừ tội thực, sức yếu chưa đủ để làm việc nặng. Đến nay, đất mất chưa lấy lại được, và giặc ngoài chưa dẹp trừ xong, nối dõi muộn màng, khó nhờ ai đảm đương việc nước. 

Tuy nhiên, vua cũng tự hào khi "cầm quyền sinh sát đã lâu, mà chưa từng tự tiện giết một người khi bộ Hình chưa kết án". "Mọi việc đều cốt lấy thực chất, cứ chăm chăm để nuôi dân, vững gốc. Ngày đêm xem xét công việc, không bỏ thừa sức". Tuy vậy ông cũng không tránh khỏi ham mê hát ca, sắc đẹp, tiền tài nhưng "chưa quấy nhiễu nhân dân, làm hư chính trị". Ông cũng là vị vua bài trừ lối chuộng công lợi, dối gian, tham lam xảo trá, tham lợi nhỏ chịu hại lớn. Lỗi lớn nhất, theo vua Tự Đức, chính là việc để đất nước mất chủ quyền.

Vua sai quần thần chọn đất xây lăng. Khi mới khởi công xây dựng, Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, nên dân phu xây lăng nổi loạn. Sau này gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. 

Cũng chính không có con nối dõi, nên sau khi vua Tự Đức băng hà, nhà Nguyễn trải qua thời kỳ đen tối 4 tháng thay 3 vua. Liền sau đó là sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, thất bại hoàn toàn về phía triều đình Huế, khiến hàng nghìn người chết.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận