Ngày 4 tháng 7 năm 1974, Hội đồng Chính phủ ký quyết định số 158/CP về cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thiết kế và đào tạo trong đó có Viện Quy hoạch GTVT; Viện Kinh tế Vận tải, tiền thân của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT ngày nay.
Nhìn lại 40 năm xây dựng và trưởng thành, Viện đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, đã đạt được những thành tích đáng khích lệ đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành GTVT.
Chủ trì và tham gia xây dựng quy hoạch GTVT toàn quốc, các chuyên ngành, vùng lãnh thổ mà trọng tâm là xây dựng các đề án về khôi phục đường sắt Thống nhất, vận tải Bắc Nam, Quy hoạch GTVT cho các huyện thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, tham gia cùng các đơn vị và các ngành xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp mới như nhà máy giấy Bãi Bằng, thủy điện Hòa Bình, đầu mối đường sắt Hà Nội và cầu Thăng Long.
Nghiên cứu và tham mưu cho Bộ về các lĩnh vực tổ chức, phân công phân cấp vận tải, vận trù học trong GTVT, nghiên cứu các giải pháp giải tỏa cảng Hải Phòng, rút hàng nhập, tổ chức vận tải Bắc Nam (vận tải lương thực từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc và phân bón từ Bắc vào Nam), các phương án phân công phân cấp vận tải từ Trung ương đến địa phương và các ngành vận tải.
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và nhà nước, Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực cơ chế chính sách đáp ứng kịp thời với yêu cầu của Bộ GTVT theo từng thời kỳ:
Thời gian đầu của thời ký đổi mới, Viện đã kịp thời phổ biến, nghiên cứu NQ/306 của Bộ Chính trị và hình thành Thông tư 263 để hướng dẫn các cơ sở thực hiện NQ/306 trong ngành GTVT. Nghiên cứu triển khai quyết định 217/HĐBT, nghiên cứu các vấn đề: Quản lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh, hạch toán tự trang trải về tài chính ở các đơn vị cơ sở, giao vốn sản xuất để tham mưu cho Bộ GTVT và nhà nước áp dụng trong ngành GTVT.
Tham mưu cho Bộ GTVT và nhà nước về các vấn đề chiến lược phát triển GTVT, các chính sách về quản lý GTVT phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện, hoạch định chính sách về quản lý và phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước.
Về lĩnh vực chiến lược và quy hoạch GTVT, Viện đã đáp ứng tham mưu kịp thời cho Bộ GTVT về những vấn đề sau: Xây dựng chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020; Xây dựng chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng GTVT phục vụ hội nghị TW4; Tham gia với Ban Kinh tế TW xây dựng chiến lược kinh tế biển (phần GTVT) phục vụ cho Nghị quyết TW4; Xây dựng đề án Quỹ Quốc gia hỗ trợ duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng GTVT; Xây dựng quy hoạch phát triển GTVT các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; ngoài ra, Viện cũng đã hoàn thành một khối lượng dự án thiết kế quy hoạch đáng kể đó là:
Quy hoạch phát triển GTVT các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), phía Nam (Sài Gòn – Biên Hòa – Vũng Tàu); Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Viện đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều dự án về lĩnh vực phát triển và quản lý GTVT:
Dự án “Quy hoạch tổng thể GTVT các tỉnh phía Bắc” (JICA Nhật Bản), dự án “Ngành GTVT Việt Nam phục vụ nền kinh tế đang chuyển đổi” (WB), dự án “Nghiên cứu quản lý hệ thống giao thông đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” (WB), dự án tiền khả thi phát triển hệ thống đường sắt nội đô tại TP. Hồ Chí Minh (CHLB Đức), dự án “Quy hoạch tổng thể GTVT vùng miền Trung Việt Nam (CH Pháp), dự án tiếp cận phát triển giao thông nông thôn Việt Nam (Vương Quốc Anh). Viện đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực quy hoạch, chiến lược và chính sách phát triển GTVT.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đạt được thời gian qua, những thành quả đó sẽ là tiền đề, động lực quan trọng cho Viện phát triển trong tương lai. Thời gian qua, Viện luôn hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Bộ GTVT trong việc quy hoạch chiến lược phát triển GTVT, công tác nghiện cứu khoa học, hợp tác quốc tế không ngừng được đẩy mạnh.
Thời gian tới, nhiệm vụ của ngành GTVT hết sức nặng nề, yêu cầu Viện bám sát nhiệm vụ của Ngành để không ngừng đổi mới trong công tác tham mưu, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, đưa Viện phát triển hàng đầu về quy hoạch GTVT của Việt Nam và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng đường phát triển và trưởng thành của Viện trong 40 năm qua, với lợi thế kinh nghiệm và uy tín của Viện đã tạo lập được lợi thế về trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ hiện có, phát huy được truyền thống của cha, anh để vươn lên không ngừng, đáp ứng nhiệm vụ ngày càng khó khăn và nặng nề của công cuộc xây dựng và phát triển ngành GTVT. Góp phần tích cực trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.