Đón đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả tại sân bay quốc tế Wattay, Thủ đô Viêng Chăn (Lào), ông Alunkeo Kittykhun - Chủ tịch Ủy ban chiến lược và kế hoạch Tập đoàn PTL Holding, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại một số thành viên Hội đồng Cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả thời các ông còn là thành viên trong bộ máy nhà nước của 2 nước.
Ông Alunkeo Kittykhun bày tỏ kỳ vọng cuộc gặp của 2 doanh nghiệp lần này sẽ cụ thể hoá những trao đổi mà họ đã làm việc tại Hà Nội hồi cuối năm 2022 về dự án đường sắt Lào - Việt và những hợp tác đầu tư khác.
PTL có năng lực huy động vốn, Đèo Cả có năng lực thi công
Với những ai đã đến Lào sẽ biết đến PTLHolding Company Limited (PTL Holding) là ai? Đó là doanh nghiệp rất nổi tiếng tại Lào, hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, thiết bị chiếu sáng, logistics, phân phối bán lẻ sản phẩm xăng dầu, đầu tư hạ tầng.
PTL Holdingnằm trong số những tập đoàn kinh doanh do gia đình sở hữu lớn nhất ở Lào. Doanh thu của tập đoàn này năm 2022 lên tới 250 triệu USD, tham vọng đóng góp vào ít nhất 20% GDP của Lào vào năm 2040 khi họ sẽ trở thành nhà nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng, nhập khẩu và phân phối sản phẩm xăng dầu, cung cấp dịch vụ logistics, phát triển cảng Vũng Áng, đầu tư tuyến đường sắt Lào - Việt để cung cấp lựa chọn về logistics nhanh hơn, tiết kiệm hơn và thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ông Alunkeo Kittykhun, có nhiều quan chức sau khi rời nhiệm sở được PTL Holding mời làm việc để sử dụng nguồn tài nguyên kinh nghiệm cũng như trí tuệ của họ. Chỉ trong thời gian ngắn, PTL Holding phát triển mạnh mẽ và nổi bật bởi các dự án Công viên Logistics tại Viêng Chăn và dự án Vang Viêng city tại huyện Vang Viêng.
Cũng giống như hầm đường bộ Đèo Cả, khi khởi động công viên Logistics, nhiều người không tin vào khả năng thành công. Và rồi, ông Chanthone Sitthixay, nhà lãnh đạo trẻ thế hệ 7X của PTL Holding đã từng bước đưa dự án khổng lồ ngay tại Viêng Chăn thành sự thật.
Công viên Logistics được triển khai xây dựng theo chương trình PPP giữa Công ty Sitthi Logistics (Công ty con của Tập đoàn PTL Holding) và Chính phủ lào, có tổng diện tích 382 ha (bao gồm các khu cảng cạn Thanaleng, khu logistics, khu chế xuất, khu hậu cần và trung tâm kỹ thuật số, khu phân phối nhiên liệu xăng dầu) với tổng chi phí đầu tư ước tính khoảng 727 triệu USD.
Trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, PTL Holding huy động vốn ngoài nguồn chủ sở hữu, còn có nguồn vay 67 triệu USD từ Tập đoàn tài chính quốc tế IFC. Hiện tại, dự án đã vận hành thương mại khu cảng cạn Thanaleng và khu logistics từ tháng 12/2021, đây là khu cảng cạn xuyên biên giới lớn nhất tại Lào với doanh thu 200 triệu USD/năm.
Trong khi đó, dự án Vang Viêng city bao gồm các hạng mục: Khu phức hợp giải trí, trung tâm đào tạo, trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, giáo dục, đặc khu kinh tế với tổng mức đầu tư 358 triệu USD. Dự án này được đầu tư bằng hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT) với thời hạn 50 năm. Vốn được huy độngtừ doanh nghiệp dự án và dự kiến sẽ thu xếp nguồn từ các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức tín dụng quốc tế.
Trong cuộc làm việc chính thức với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch PTL Holding Chanthone Sitthixayđã mở đầu bằng việc nhấn mạnh 2 điều.
Thứ nhất, việc hợp tác của PTL Holding với Đèo Cả phù hợp với"mong muốn của Chính phủ Lào là có sự kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam".
Thứ 2 là, PTL Holding "rất quan tâm đến các công trình giao thông gắn với biển để phát triển logictics và các dịch vụ khác" đúng theo thế mạnh của doanh nghiệp này.
Lãnh đạo PTL Holding đánh giá rất cao những thành công Đèo Cả làm được tại Việt Nam và bày tỏ sự tin tưởng sẽ là hợp tác bổ trợ các thế mạnh cho nhau. PTL Holding có thế mạnh về logistics và có thể huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế, thì Tập đoàn Đèo Cả có kinh nghiệm quản lý dự án, thi công các công trình hạ tầng giao thông khó.
Không chỉ là dự án đường sắt Việt - Lào
Cuộc gặp riêng của 2 lãnh đạo doanh nghiệp với sự tương đồng quan điểm khi sớm đi đến thống nhất về mặt chủ trương đã rộng đường cho cuộc làm việc của 2 doanh nghiệp.
Ông Hồ Minh Hoàng và ông Chanthone Sitthixay đã thống nhất cùng nghiên cứu đề xuất đầu tư đường sắt Việt - Lào. Để cụ thể hoá sự hợp tác đó, hai doanh nghiệptiến hành ký thoả thuận liên danh dự án xây dựng tuyến đường sắt này, đoạn trên địa phận lãnh thổ Việt Nam. Đó là đoạn Mụ Giạ (Quảng Bình) - cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với tổng chiều dài khoảng 103km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.
Đoạn này nằm trong tuyến đường sắt tổng thể từ Viêng Chăn - Vũng Áng, có tổng chiều dài 554,7 km với quy mô 2 ray với khổ ray 1.435mm, vấn tốc 150km/h.
Để hiện thực hoá những ký kết giữa 2 doanh nghiệp, ông Hồ Minh Hoàng cho biết:"Sau lễ ký kết hợp tác liên danh, chúng tôi sẽ sớm có một thông báo chung về hợp tác này. Phía PTL Holding sẽ báo cáo Chính phủ Lào và Đèo Cả cũng sẽ có báo cáo Chính phủ Việt Nam".
Đèo Cả đề nghị đơn vị tư vấn dự án cần rà soát lại các số liệu và đánh giá những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện đồng thời trong báo cáo nghiên cứu phải có đề xuất độc lập các giải pháp giải quyết các rủi ro để cùng với liên danh có thể nhận diện đúng tình trạng, tính khả thi khi triển khai. Về phần mình, Đèo Cả đưa ra ý kiến tham gia với số vốn góp tương đương 15%.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, người cũng có mặt tại lễ ký kết hợp tác liên danh, đánh giá: "Đường sắt đoạn Mụ Giạ - Vũng Áng là dự án đặc biệt quan trọng, là một trong những ưu tiên của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng. Đây là dự án có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng sự kết hợp giữa Đèo Cả và Petroleum Trading sẽ thực hiện tốt dự án, xứng đáng với tin cậy của Chính phủ hai nước. Tôi đặc biệt vui mừng khi Tập đoàn Đèo Cả ngày càng phát triển và trưởng thành đã vươn ra thị trường nước ngoài, trong đó có Lào".
Để bắt đầu cho lễ ký kết thành lập liên danh, điều làm cho phía phái đoàn Đèo Cả bất ngờ là phía PTL Holding đã tổ chức nghi lễ "buộc chỉ cổ tay" truyền thống. Đây là nét văn hóa độc đáo lâu đời thể hiện lòng mến khách của người dân Lào. Buộc chỉ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho bạn bè rằng "chúng tôi yêu mến các bạn!" đã chiếm trọn tình cảm của những người Việt Nam tham gia buổi tối ngày hôm đó.
Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ với đối tác rằng đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông sau Tết cổ truyền của Việt Nam: "Theo văn hoá Việt Nam, chuyến khởi hành đầu năm rất quan trọng, tôi và Tập đoàn Đèo Cả đặt niềm tin có một sự xuất hành tốt đẹp".
Tuyến đường sắt mà Đèo Cả và PTL Holding liên danh thực hiện sẽ kết nối Viêng Chăn tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến vận tảihàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc. Cảng Vũng Áng của Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế của 2 nước thông qua trao đổi thương mại và vận tải hàng hải, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng chuyến đi Viêng Chăn không chỉ dừng lại ở việc chung tay làm đường sắt, nó còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác của hai doanh nghiệp Việt - Lào có nhiều nét tương đồng. Qua các buổi trao đổi song phương, cho thấy rằng PTL Holding quan tâm đến việc sẽ cùng Đèo Cả thực hiện đầu tư một số dự án ở miền Nam Việt Nam theo thế mạnh của họ trong thời gian tới đây và mời Đèo Cả cùng nghiên cứu một số dự án giao thông tại Lào.
Sau các kết nối với một loạt đối tác nước ngoài, ở Đức để hợp tác đào tạo, Hàn Quốc và Nhật Bản về công nghệ, kỹ thuật… chuyến khởi hành của Tập đoàn Đèo Cả đến với các bạn Lào mang lại nhiều điều cơ hội hợp tác. Đó là những chuyển động vươn mình ra thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.