Theo công bố mới nhất, tổng số ngày nghỉ phép và lễ mà người lao động Việt Nam được hưởng trong năm 2016 là 34 ngày, liệu con số này có phải là nhiều nhất thế giới?
Tùy vào mức độ phát triển, năng suất lao động và loại hình công việc mà mỗi quốc gia sẽ có các chế độ khác nhau về ngày nghỉ phép. Ở hầu hết các nước, trong những ngày nghỉ lễ công theo quy định của nhà nước, người lao động vẫn được hưởng lương và thường không tính vào số ngày nghỉ phép năm. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn có các chế độ ưu tiên khác như nghỉ phép làm cha mẹ (vợ sinh con, chồng được nghỉ) hoặc nghỉ ốm có chứng nhận cũng được tính riêng.
Ở Việt Nam, ngoại trừ 12 ngày nghỉ phép tối đa cho một năm làm việc, số ngày nghỉ cho các dịp lễ tết ở Việt Nam được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định như sau: Tết Dương Lịch 1/1: 1 ngày, Tết Âm lịch: 5 ngày, ngày chiến thắng 30/4: 1 ngày, ngày Quốc tế lao động 1/5: 1 ngày, ngày Quốc khánh 2/9: 1 ngày, ngày giỗ tổ 10/3 âm lịch: 1 ngày, tổng cộng là 10 ngày.
Tuy nhiên, do các dịp này trùng vào ngày nghỉ hoặc sát ngày nghỉ nên kì nghỉ lễ thường sẽ kéo dài nhiều ngày hơn. Cụ thể, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2016 là: Tết Dương lịch nghỉ 3 ngày, Tết Âm lịch nghỉ 9 ngày, Giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 3 ngày, dịp 30/4 và 1/5 nghỉ 4 ngày, Quốc khánh 2/9 nghỉ 3 ngày, tổng cộng 22 ngày.
Như vậy, nếu cộng cả số ngày nghỉ phép trong năm, người lao động Việt Nam có thể được nghỉ tối đa là 22 ngày một năm (đối với những người có hợp đồng lao động dài hạn hoặc từ một năm trở lên, không tính những người làm bán thời gian, lao động thời vụ hay hợp đồng ngắn hạn).
Tại Australia, đối với mỗi năm làm việc, người lao động được nghỉ phép tối thiểu là 4 tuần (20 ngày), nếu họ làm theo ca thì có thể nghỉ phép tới 5 tuần. Bên cạnh đó, tất cả người lao động đều được nghỉ lễ từ 10 đến 13 ngày mỗi năm tùy theo các bang và vùng lãnh thổ. Như vậy, người lao động Australia có thể được nghỉ tối thiểu là 30 ngày mỗi năm, gần tương đương với mức tối đa của Việt Nam.Dưới đây là một số quốc gia được liệt kê trong danh sách số lượng ngày nghỉ lễ và nghỉ phép tối thiểu của các nước theo chế độ làm việc 5 ngày/tuần do Wikipedia tổng hợp:
Trong số các quốc gia trên thế giới, có lẽ châu Âu là khu vực có chế độ lao động, mức lương và điều kiện làm việc “thân thiện” nhất. Trong khối Liên minh châu Âu, theo quy định tất cả các nước thành viên phải cho phép người lao động của mình nghỉ phép tối thiểu là 4 tuần (20 ngày).
Ví dụ như ở Pháp, số ngày nghỉ phép tối thiểu là 5 tuần (30 ngày tính cả thứ 7, chủ nhật không được tính là ngày nghỉ), cộng thêm 22 ngày theo quy định giảm giờ làm việc đối với những người lao động chọn làm hơn 35 tiếng/tuần. Số giờ làm việc tối đa một tuần của người lao động Pháp là 39 giờ, nếu họ buộc phải làm hơn thì sẽ được đền bù bằng tiền.
Ngoài ra, nếu như người lao động chọn nghỉ phép không phải trong dịp hè thì họ sẽ được “thưởng” thêm, ví dụ như xin nghỉ 3 ngày phép ngoài hè sẽ được cộng thêm 1 ngày, xin nghỉ 6 ngày sẽ được cộng thêm 2 ngày. Cộng tất cả các quy định trên, người lao động Pháp có thể được nghỉ phép tới 9,5 tuần (5 tuần nghỉ phép cộng 4 tuần nghỉ làm thêm giờ và 0,5 tuần thưởng thêm). Không chỉ vậy, nước Pháp còn có 11 ngày nghỉ lễ chính thức.
Còn đối với “hàng xóm” của Pháp, nước công nghiệp phát triển Đức, số ngày nghỉ phép là 24 ngày làm việc (được định nghĩa là tất cả các ngày trên lịch, ngoại trừ Chủ nhật và ngày lễ công). Toàn nước Đức có một ngày nghỉ lễ chung, đó là ngày tái Thống nhất nước Đức. Còn lại, các bang sẽ tự điều chỉnh số ngày nghỉ lễ của bang mình trong khoảng từ 9 đến 13 ngày. Nhân viên công vụ có số ngày nghỉ phép tối thiểu là 30 ngày.
Một quốc gia châu Âu khác là Hungary cũng có quy định rất đặc biệt về số ngày nghỉ phép. Trung bình, một người lao động Hungary được nghỉ tối thiểu là 20 ngày/năm và con số này sẽ tăng tùy theo tuổi. Ngoài ra, người lao động sẽ được nghỉ thêm 2 ngày nếu họ có một con, 4 ngày nếu có 2 con và 7 ngày nếu có nhiều hơn hai con. Ngoài ra, người dân Hungary còn có thêm 13 ngày nghỉ lễ chính thức.
Tóm lại, đối với các quốc gia châu Âu, nơi được xem là “thiên đường” lao động, kết hợp hài hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi, người lao động có thể được hưởng mức nghỉ phép tối thiểu là 30 cho đến 40 ngày để tái tạo sức lao động, như vậy con số 22 ngày của Việt Nam vẫn còn khá “khiêm tốn”.
Vậy còn các quốc gia ngay sát với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia thì sao?
Việt Nam là nước có số ngày nghỉ trung bình ở khu vực Đông Nam Á và ít so với các nước châu Âu. Nguồn: CNN |
Đối với Trung Quốc, quốc gia có số lượng người lao động “khổng lồ” cùng ngành công nghiệp đang phát triển như vũ bão, người lao động sẽ được nghỉ số ngày phép khác nhau tùy vào thời gian làm việc. Những người đã làm từ 1 đến 10 năm được nghỉ 5 ngày; 10 ngày cho lao động làm từ 10 đến 20 năm và 15 ngày cho người có thâm niên trên 20 năm. Ngoài ra, tất cả người lao động đều được nghỉ 11 ngày lễ.
Tại nước ngay sát Việt Nam là Campuchia, tất cả các nhân công đều được nghỉ với tỉ lệ trung bình là 1,5 ngày làm việc/tháng đối với hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, số ngày nghỉ phép sẽ được tăng dần theo thâm niên, trung bình là thêm 1 ngày sau mỗi 3 năm. Bên cạnh đó, mọi người lao động đều được nghỉ tới 27 ngày lễ.
Đối với quốc gia du lịch Thái Lan, người lao động trong năm đầu tiên đi làm sẽ được nghỉ tối thiểu là 6 ngày phép. Trong những năm tiếp theo, các công ty có thể điều chỉnh ngày nghỉ phép hàng năm hơn con số 6 ngày. Thái Lan có tổng cộng 13 ngày nghỉ lễ chính thức theo quy định của nhà nước.
Trong khi đó, Malaysia dành 8 ngày nghỉ phép cho người lao động trong 2 năm đầu đi làm, sau đó tăng lên 12 ngày cho những người làm từ 2 đến 5 năm và 16 ngày cho người có thâm niên trên 5 năm. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng 19 ngày nghỉ lễ.
Có thể đưa ra kết luận rằng, nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, cụ thể Campuchia tổng số ngày nghỉ tối thiểu là 45 ngày, Thái Lan 18 ngày và Malaysia là 30 ngày thì con số dao động từ 22 đến 34 ngày nghỉ của Việt Nam là thuộc mức trung bình.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.