Lễ ký chương trình hợp tác tư pháp giữa hai nước |
Hai bên cũng đã tiến hành trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Kazakhstan đã được ký ngày 31/10/2011 tại Hà Nội.
Lễ ký các văn kiện hợp tác được tiến hành dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước.
Việc phê chuẩn và tạo hiệu lực cho Hiệp định Tương trợ tư pháp đã được ký kết giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết này chỉ rõ nhiệm vụ tiếp tục ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp với các nước, trong đó ưu tiên các nước có quan hệ truyền thống như Kazakhstan.
Việc phê chuẩn và đưa Hiệp định vào thực hiện trên thực tế sẽ đánh dấu bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong quan hệ hợp tác về tư pháp nói chung và công tác tương trợ tư pháp giữa hai Nhà nước nói riêng nhằm góp phần giải quyết các tranh chấp và vấn đề pháp lý khác phát sinh từ quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân và pháp nhân hai nước.
Việc ký Chương trình hợp tác 3 năm 2015-2017 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Kazakhstan là một bước cụ thể hóa và triển khai thi hành Thỏa thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp đã được Bộ trưởng Tư pháp hai nước ký năm 2011.
Với nhiều điểm tương đồng về điều kiện phát triển nói chung (chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường) và tương đồng trong hệ thống pháp luật (cùng có nguồn gốc pháp luật thành văn, cùng đã chịu ảnh hưởng nhiều từ hệ thống pháp luật Xô viết trước đây), trong thời gian tới sẽ có nhiều vấn đề mà Việt Nam và Kazakhstan có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để tham khảo, học hỏi lẫn nhau trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Văn kiện hợp tác lần này được ký kết sẽ tạo thuận lợi để các chuyên gia pháp lý Việt Nam và Kazakhstan trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước mà hai Bộ cùng có chức năng tương đồng và cùng quan tâm như kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật của các bên trong các lĩnh vực thi hành án, thừa phát lại, tiếp cận thông tin pháp luật, giám định tư pháp, tương trợ tư pháp (thực thi Hiệp định tương trợ tư pháp), nâng cao năng lực soạn thảo pháp luật... Hình thức tiến hành các hoạt động hợp tác cũng đa dạng, từ trao đổi các đoàn công tác các cấp của hai Bộ, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu pháp luật, đào tạo cán bộ pháp lý, khảo sát, nghiên cứu pháp luật.
Hai bên tin tưởng sâu sắc rằng, trên cơ sở quan hệ hợp tác đã và đang được hai Bộ xây dựng, trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, góp phần vun đắp quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.