Tại hội đàm cấp cao ngày 19/8 với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất.
Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối "hai hành lang, một vành đai" với "vành đai con đường", tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao, tương xứng với tin cậy chính trị, thể hiện được trình độ phát triển và khoa học công nghệ tiên tiến của Trung Quốc; đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chất lượng vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có nhiều ưu thế như kinh tế xanh, kinh tế số.
Kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết các văn kiện hợp tác trong chuyến thăm trên các lĩnh vực hợp tác trường đảng, xuất nhập khẩu nông sản, phát thanh truyền hình, nghiệp vụ truyền thông báo chí, y tế, cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại, công nghiệp, ngân hàng...
Trong số các văn kiện hợp tác được ký kết có Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ngoài ra còn có Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.
Được biết, trước đó, vào tháng 6/2024, Bộ GTVT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Bộ GTVT, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này là hết sức cần thiết và cấp bách. Căn cứ theo các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định 163/2016, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.
Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12/12/2023 đến ngày 13/12/2023, hai bên nhất trì thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng".
Trong Kết luận số 49 ngày 28/3/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Trung ương Đảng về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có định hướng: "Đến năm 2030: phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hoà-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...).
Trong Kết luận số 72 ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có định hướng: "Ưu tiên nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…".
Còn tại Thông báo 57 ngày 19/2/2024 của Văn phòng Chính phủ có nội dung chỉ đạo: "Trước mắt cần tập trung đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025)".
Trong khi đó, đối với việc Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội, đầu năm 2024, trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh liên quan đến đề xuất của tỉnh này về việc đề nghị lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Bộ GTVT cho biết, vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 150 km được hoạch định tiến độ đầu tư sau năm 2030.
Về nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Bộ GTVT cho biết là trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu xem xét cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng.
"Trong trường hợp được phía Trung Quốc chấp thuận hỗ trợ, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện", Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.
Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.
Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.
Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.
Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuyến thứ hai là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP. Hạ Long).
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cảng Phòng Thành đến TP. Đông Hưng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.
"Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.
Việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.