Vietstar Airlines “chờ” Tân Sơn Nhất: Dân “lỡ” cơ hội hàng không giá rẻ

Tác giả: Vũ Anh

saosaosaosaosao
Doanh nhân 04/05/2017 05:53

Với lý do Tân Sơn Nhất quá tải, Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 495/TTg-CN, yêu cầu xem xét cấp phép bay cho Hãng hàng không Vietstar trong 3 năm tới, sau khi sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp. Vậy lý do dừng cấp phép cho hãng hàng không giá rẻ trên liệu có xác đáng với thực tế?

0-787fa
Ảnh minh họa

Trong văn bản nêu rõ, saukhi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án vận tải hàng không và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất.Như vậy, Vietstar Airlines chưa được cấp phép bay trong năm 2017 và phải chờ 3 năm tới cho đến khi nào sân bay Tân Sơn Nhất (với vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng) được nâng cấp, mở rộng. 

Không lo về điểm đỗ máy bay

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2016, sau khi Cục hàng không Việt Nam (HKCN) và Bộ GTVT nghiên cứu kỹ về phương án đỗ, đậu của Vietstar tại sân bay Tân Sơn Nhất nên đã yêu cầu Hãng này phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong điều kiện Tân Sơn Nhất quá tải.

Cụ thể, Bộ GTVT và Cục HKVN chỉ đạo Vietstar giảm số lượng tàu bay từ 23 chiếc đến năm 2021 theo kế hoạch cũ xuống còn 10 chiếc.

“Trong đó, kế hoạch năm 2017, Vietstar xin đỗ 5 máy bay (A320/321 và B737) tại Tân Sơn Nhất là hoàn toàn khả thi. Giai đoạn, từ năm 2018- 2021, 5 chiếc tàu bay mới sẽ được thuê điểm đỗ tại sân bay Đà Nẵng là phù hợp với kế hoạch phát triển của các sân bay”, văn bản của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

Lý giải thêm sự đáp ứng đủ điều kiện “điểm đỗ” tại Tân Sơn Nhất, ông Phạm Trịnh Phương, tổng giám đốc Vietstar cho biết: Ngay cả khi sân bay Tân Sơn Nhất thiếu điểm đỗ, thì 5 chiếc máy bay của Vietstar khai thác trong giai đoạn 2017-2020 có thể đậu qua đêm tại các hangar của Công ty cổ phần Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt (cùng tập đoàn với hãng Vietstar Airlines) để nhường sân đỗ cho các hãng hàng không khác. Như vậy, bản thân Vietstar đã phải tự điều chỉnh mô hình kinh doanh để đáp ứng đầy đủ điều kiện bay do Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và Cục HKVN yêu cầu.

Riêng đối với các quy định phê duyệt lịch bay hiện hành, Cục hàng không cũng đã rà soát, xem xét tại sân bay Tân Sơn Nhất, để Vietstar được cung cấp quầy thủ tục, phòng chờ, cửa ra tàu bay… được bố trí chặt chẽ và hợp lý.

“Như vậy, các yếu tố về hạ tầng không đã được Bộ GTVT xem xét tháo gỡ, không làm gia tăng áp lực lên cảng hàng không Tân Sơn Nhất”, ông Phương nói.

Trước những kiến nghị từ Vietstar, Bộ GTVT đánh giá, căn cứ theo Nghị định số 92, Vietstar đã đủ điều kiện về vốn điều lệ (300 tỷ đồng), phương án thuê tàu bay, điểm đỗ, các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách... vì thế đủ tiêu chuẩn được xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định. Việc điều chuyển chiến lược kinh doanh của Vietstar hoàn toàn phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất.

Người dân “ngóng” hàng không giá rẻ

Trong khi việc phê duyệt bay của Vietstar vẫn “nằm trên giấy” thì người dân có lẽ vẫn mòn mòn mong thêm những chuyến bay giá rẻ trong thời gian tới. Dù việc áp giá sàn/trần đã bị Bộ GTVT tuýt còi, tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, thị trường hàng không Việt vẫn là “sân chơi” riêng của 3 hãng hàng không.

Ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Trong bối cảnh lượng hành khách hàng không tăng mạnh tới 30% mỗi năm như hiện nay, việc có thêm một vài hãng hàng không giá rẻ nhằm tăng tính cạnh tranh, phục vụ tốt hơn nữa cho nhu cầu đi lại của người dân là tối cần thiết. Có như vậy, những người nghèo mới có thể “mơ” đến dịch vụ hàng không.

Lãnh đạo Cục HKVN thừa nhận, từ khi có sự tham gia của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, đúng là thị trường hàng không có sự bứt tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu so sánh mức độ công cộng hoá vận tải hàng không (tức là số lượng hành khách hàng không nội địa so với dân số) của Việt Nam mới chỉ bằng một nửa so với Thái Lan. Số lượng hãng hàng không thương mại ở Việt Nam mới chỉ có 3 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Paciffic), trong khi ở Thái Lan đã có tới 8 hãng hàng không thương mại hoạt động hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh, cùng nhau phát triển thị trường và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư, thương mại…. Vì thế, trong nhu cầu hiện nay, việc cấp phép cho các hãng hàng không giá rẻ là cần thiết.

Vietstar Airlines sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ. Song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả Quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.Ngoài ra, Vietstar Airlines cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến khai thác chung của ngành hàng không như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; phục vụ hàng hóa; môi giới thuê máy bay, đào tạo phi công…Được biết, chiếc phi cơ phản lực Legacy 600 mà ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang sử dụng được thuê mua từ Vietstar Airlines

Ý kiến của bạn

Bình luận