Bản đồ vùng phủ NB-IoT của Viettel tại TP.HCM. |
Ngày 12/9, Viettel đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (Narrow Band - Internet of Things) phủ kín 100% địa bàn TP.HCM. Với quy mô này, Viettel đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ kết nối Internet cho vạn vật tại TP.HCM, đưa thành phố này trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng.
Đối với Hà Nội, Viettel đã phát sóng gần 500 trạm NB-IoT tại quận Cầu Giấy và các huyện ngoại thành. Trong tháng 9 này, sóng NB-IoT của Viettel sẽ phủ 100% thủ đô với số lượng trạm tương tự TP.HCM.
Song song với quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới cho IoT, hiện nay, Viettel đang đẩy nhanh tiến độ triển khai nền tảng (platform) để sớm cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT của Viettel tới khách hàng như đỗ xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường,…
Đại diện Viettel, ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: “Không chỉ Hà Nội và TP.HCM, mục tiêu của Viettel là đưa công nghệ IoT tới tất cả tỉnh/thành trên cả nước và các thị trường nước ngoài. Với khả năng phủ rộng và phủ sâu, NB-IoT giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ở bất cứ khi nào và ở đâu, bao gồm cả những vị trí thách thức nhất như hầm tòa nhà, đường hầm hay khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo”.
Công nghệ NB-IoT được Viettel thiết kế, phát triển trên hạ tầng 4G hiện có bao gồm cả trạm gốc, ăng ten và băng tần được cấp phép. NB-IoT thuộc nhóm công nghệ Low Power WAN IoT (mạng diện rộng, công suất thấp cho IoT) với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng.
Dự kiến ngày 21/9/2019, Viettel sẽ tổ chức sự kiện công bố hoàn thành phát sóng hạ tầng cho IoT và 5G tại TP. Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng thành phố này trở thành đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ này.
Kết nối IoT là kết nối mạng Internet cho các vật, máy móc (things). Đặc điểm của nhóm này là tính kết nối truyền tin ít, tốc độ thấp. Công nghệ NB-IoT có khả năng ngắt kết nối với thiết bị khi không hoạt động. Chính vì thế thời gian liên lạc của thiết bị đầu cuối được kéo dài tới 5 năm mà không cần thay pin.
Theo ước tính, đến năm 2020 có khoảng 20 tỷ thiết bị được gắn cảm biến và được điều khiển thông qua công nghệ NB-IoT, chiếm đến 74% tổng các thiết bị sử dụng trên toàn cầu. Đây là tiền đề để tạo nên một xã hội số đích thực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.