Vinalines chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ 01/9

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/08/2020 05:09

Ngày 13/8, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức thành công Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty mẹ để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty công ty cổ phần từ ngày 01/9.


A3A5F49A-23DF-401C-93C8-FCB73BFF53BE.

Đại hội đã bầu Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên.

Tại Đại hội, các cổ đông đã thảo luận, thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty cổ phần (với tên thương hiệu mới VIMC); Kế hoạch kinh doanh năm 2020; Bầu thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025; Lựa chọn công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020.

Đại hội đã bầu Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên, trong đó, ông Lê Anh Sơn được Hội đồng quản trị bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh được Hội đồng quản trị bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP. Đồng thời bầu ra Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên do ông Lương Đình Minh là Trưởng Ban.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban CH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá đánh giá việc chuyển đổi sang công ty cổ phần là một bước chuyển quan trọng, giúp tăng thêm nguồn lực để Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tổ chức thành công đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần là dấu mốc quan trọng, khẳng định việc tái cơ cấu thành công Tổng công ty Hàng hải Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Đây mới là thành công bước đầu, Tổng công ty còn phải tiến hành những công việc quan trọng tiếp theo như: đăng ký kinh doanh, quyết toán cổ phần hóa, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho những năm tới, xử lý những tồn tại báo cáo Ủy ban xem xét, khắc phục, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội cổ đông lần thứ nhất”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Hành trình cán đích gặp nhiều khó khăn

Gần hai năm sau thời điểm IPO (05/9/2018), cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã cán đích. Có nhiều nguyên nhân làm chậm thời điểm ra mắt công ty cổ phần. Đó là, sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đến là việc chuyển đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC). Cùng với đó là không ít vấn đề cần xử lý những nội dung tồn tại, phát sinh từ trước khi Tổng công ty chuyển về CMSC như việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ Vinashin trước đây, các tồn tại liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, rồi sau đó là việc mua lại 75,01% cổ phần của Công ty CP Cảng Quy Nhơn…Tất cả đều phải xin ý kiến các Bộ, ngành, thậm chí trình xem xét ở cấp cao hơn là Thủ tướng Chính phủ.

Từ đích đến trở thành công ty cổ phần ngày hôm nay, nhìn lại thời điểm 2012-2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam từng đã có ba năm liền giữ “ngôi đầu” về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do thì trường hàng hải thế giới phát triển nóng rồi suy thoái kéo dài, đội tàu của Tổng công ty trong giai đoạn đó cũng được đầu tư mạnh mẽ với suất đầu tư rất cao. Ngoài ra, Tổng công ty còn phải tiếp nhận các doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam chuyển sang (tổng số 25 tàu, trọng tải hơn 650 nghìn tấn), đã góp phần làm tăng mức lỗ trong hoạt động vận tải biển của Tổng công ty cũng như tăng gánh nặng đối với Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên khi phải trợ giúp về tài chính để sửa chữa đội tàu cũ nát và hỗ trợ khai thác đội tàu, xử lý các tàu dừng hoạt động của Vinashinlines trong nhiều năm.

Bằng việc triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt và toàn diện, đặc biệt là việc mua nợ của các ngân hàng theo nguyên tắc thị trường; hoán đổi các khoản nợ thành vốn góp, trả nợ bằng các khoản đầu tư mà Tổng công ty đang có nhu cầu thoái, triệt để xử lý nợ xấu và tài sản không hiệu quả, tiết giảm chi phí, thoái vốn, kể cả cho phá sản một số công ty, đồng thời chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng điều hành sản xuất kinh doanh… hoạt động chung của toàn Tổng công ty và Công ty mẹ đã bước đầu cân bằng và có lãi, đặc biệt là khối cảng biển sau cổ phần hóa đã mang lại khoản lợi nhuận hơn 1.000 tỷ mỗi năm, bù đắp cho hoạt động vận tải biển đang thua lỗ. Tổng công ty đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau thời gian dài, từng bước khắc phục được tình trạng thua lỗ triền miên của giai đoạn trước, tình hình tài chính dần được ổn định.

Vượt khó hướng về tương lai

Có thể thấy, bức tranh của ngành hàng hải thế giới nói chung đã, đang và sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngành hàng hải vốn chưa hết khó khăn bởi suy thoái sâu và kéo dài hơn mười năm qua lại tiếp tục gặp “con sóng dữ” do Covid-19 đem đến. Mọi hoạt động giao thương, đi lại trên toàn thế giới thời gian qua hầu như bị “đóng băng”. Những năm tới, ba lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vận tải biển và dịch vụ hàng hải sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, trong khi lĩnh vực khai thác cảng biển tăng trưởng chậm lại. Tổng công ty đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (mức tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt 10.771 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực hàng hải, có trụ sở chính tại số 01 phố Đào Duy Anh, Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP hiện nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết. Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối, Tổng công ty hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 30% tổng số m cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước). Trong số đó có các cảng trọng điểm của cả nước như Cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn. Đây thực sự là một thế mạnh mang đến sự khác biệt, hấp dẫn các nhà đầu tư về dài hạn.

Theo định hướng phát triển, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là doanh nghiệp giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.

Ý kiến của bạn

Bình luận