Vietnam Airlines phun khử trùng trên máy bay. Ảnh: Ngọc Thành. |
Virus corona đang khiến ngành hàng không điêu đứng. Nhiều chuyến bay phải cắt, hủy liên tục. Vắng khách nên có nhiều chặng, các phi công như Hoàng phải lái máy bay rỗng không hành khách dù hãng phải chịu thiệt hại khá lớn.
"2 ngày qua tôi phải lái máy bay rỗng một số chặng ra Hà Nội. Những chặng ngắn như này, hãng sẽ phải chịu tổn thất vì chi phí vận hành mỗi tàu bay tới 500-700 triệu đồng", Hoàng nói.
Làm cho hãng được 5 năm nhưng chưa khi nào Hoàng gặp tình cảnh này. Anh ước tính đợt này phi hành đoàn giảm 50% giờ bay so với trước. Ngoài việc thu nhập giảm, hiện toàn bộ phi công và tiếp viên còn chung tâm lý lo sợ khi phải tiếp xúc với nhiều người trong đại dịch.
Mới đây, 2 tổ bay của Vietnam Airlines phải dừng bay và cách ly, theo dõi trong 14 ngày sau khi có một hành khách nhiễm nCoV trong chuyến bay Trịnh Châu (Trung Quốc) đến Nha Trang.
Thực tế, việc huỷ, trả vé diễn ra đồng loạt ở nhiều nơi.
Bà Hạnh, Giám đốc công ty hàng tiêu dùng ở quận Tân Bình vừa quyết định bỏ vé chặng đi và hoàn vé chặng về giữa TP HCM –Thanh Hóa cho hai con vì lo sợ dịch viêm phổi.
Tâm, quản lý tại một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật ở TP HCM vừa phải dời chuyến bay cho 3 người lao động mới sang tháng 8 để chờ diễn biến dịch.
Những chuyện huỷ, trả vé như này diễn ra liên tục trong hơn tuần nay tại các đại lý. Than ế ẩm, chị Thu, đại lý vé máy bay cấp 1 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, so với đầu xuân năm ngoái thì hoạt động đi lại năm nay của khách đang chậm lại gấp nhiều lần.
"Mọi người ngưng mọi hoạt động du lịch qua các nước như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và ngay cả các chuyến du lịch trong nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang cũng ế. Nhiều gia đình đã đặt vé nhưng cũng xin hoàn vì sợ đi xa lây nhiễm dịch bệnh", chị Thu nói .
Bà Hoa, chủ phòng vé lâu năm trên đường Quang Trung (Gò Vấp, TP HCM) cho hay, nhiều đoàn khách 3-5 người mua vé ra Hà Nội lễ chùa Hương cũng xin hoàn vì lo sợ nhiễm virus nCoV. "Nếu tình cảnh này kéo dài có thể mùa hè năm nay phòng vé sẽ gặp khủng hoảng và buộc phải giảm nhân viên", bà nói.
Dự kiến, dịch nCoV có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không hơn dịch SARS.
Với kịch bản khách quốc tế không tăng trưởng năm nay do ảnh hưởng của dịch, cùng với cạnh tranh giá vé khi thị trường có thêm các hãng mới, theo đánh giá của Công ty chứng khoán KBSV, Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ khó duy trì đà tăng trưởng doanh thu từ vận chuyển hành khách.
Dịch nCoV tác động đến Việt Nam sẽ còn khó lường hơn SARS trước đây bởi Việt Nam ở cạnh Trung Quốc và tốc độ lây lan của nCoV lớn hơn SARS. Chưa kể, khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm tỷ trọng tăng dần những năm qua, riêng năm 2019 chiếm 32% khi các hãng liên tục mở đường bay mới đến các tỉnh Trung Quốc.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam thừa nhận đang chịu rất nhiều sức ép.
Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Dương Trí Thành nói hãng đang bị ảnh hưởng lớn. Ngay sau khi dừng các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc, tổng lượng khách đi lại đầu năm giảm đáng kể.
Các kế hoạch khai thác cũng phải thay đổi liên tục. Không chỉ dừng đường bay giữa Việt Nam –Trung Quốc, hãng phải hoãn khai thác cả đường bay giữa Hà Nội và Ma Cao, Hong Kong. Chưa kể, để phòng ngừa dịch, hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không, gây tốn kém chi phí.
Lãnh đạo Hãng hàng không Jetstar Pacific cho hay, ảnh hưởng rõ nét nhất với họ nhiều chặng quốc tế bị ngưng, khách đến và đi các chặng nội địa giảm, khiến doanh thu đi xuống. "Mấy ngày gần đây, các hãng đang cùng nhau họp bàn liên tục để đưa ra những kế hoạch đối phó mới. Chúng tôi đang cùng bàn để kiến nghị trình Chính phủ giúp sức", lãnh đạo Jetstar Pacific nói.
Ngay các đơn vị kinh doanh và quản lý tại sân bay cũng đang chịu tác động mạnh khi lượng khách đi và đến "teo" lại.
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) tâm sự, sức ép của dịch viêm phổi đang khiến doanh số nhiều đường bay giảm mạnh. Chặng Việt Nam –Trung Quốc thất thu. Trong nước, sản lượng khách qua nhiều cảng bị giảm sút rõ rệt.
Như cảng Cam Ranh và Đà Nẵng, lượng khách đi và đến giảm 30-50% so với năm ngoái. Bên cạnh các thiệt hại về hoạt động kinh doanh thì chi phí "chống dịch như chống giặc" cũng tốn kém. Hiện, ACV chỉ đạo 24 cảng bay ở Việt Nam khử trùng hằng ngày các nhà ga hành khách, văn phòng làm việc, các chuyến bay có nguy cơ nhiễm bệnh từ vùng dịch. Đối với những khu vực phát hiện có dấu hiệu nhiễm bệnh phun khử trùng sau cách ly hành khách, phân luồng hành khách tránh nguy cơ lây nhiễm chéo...
1999 – 2002 là giai đoạn khởi sắc của ngành hàng không khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với tỷ lệ tăng trưởng hành khách 3 năm đạt 9,9%. Tuy nhiên, dịch SARS khiến lượng khách du lịch bằng đường hàng không năm 2003 chỉ tăng trưởng 0,7%, trong đó riêng Việt Nam giảm đến 1,7%.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.