VN đăng cai Diễn đàn liên chính phủ về GTVT bền vững lần thứ 12

Giao thông 24h 25/01/2019 06:58

Dự kiến Diễn đàn Liên chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên, là diễn đàn thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và nâng cao nhận thức các nước thành viên về GTVT bền vững vì môi trường.


 

IMG_6899
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Việt Nam sẽ tổ chức thành công EST 12,đạt được đồng thuận cao trong các thành viên

EST 12 được đồng chủ trì tổ chức bởi Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE), Bộ Đất đai, kết cấu hạ tầng, GTVT và du lịch Nhật Bản (MLIT) và Trung tâm phát triển Liên hiệp quốc (UNCRD) thuộc Ban các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (DSDG)/UN DESA. 

Chủ đề của EST 12 là “Xây dựng thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống GTVT thông minh và carbon thấp”. Mục đích thông qua Diễn đàn nhằm cung cấp chính sách, công nghệ và hiểu biết về cách thức các quốc gia và thành phố tham gia EST châu Á có thể phát triển hệ thống giao thông thông minh và đạt lượng carbon thấp trong thực hiện các chương trình nghị sự và thỏa thuận quốc tế bằng cách mang lại những thay đổi về chuyển đổi trong phát triển đô thị.

Trao đổi tại cuộc họp chuẩn bị cho EST 12 diễn ra tại Bộ GTVT chiều 23/1, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Việt Nam nói chung, Bộ GTVT nói riêng quyết tâm thực hiện các cam kết mà Việt Nam tham gia nhằm bảo vệ môi trường để phát triển GTVT bền vững. “Việc tổ chức EST 12 lần này vô cùng quan trọng, thể hiện một lần nữa quyết tâm thực hiện cam kết đó của Việt Nam cũng như nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. 

“Việt Nam sẽ tổ chức EST 12 thành công, đạt được đồng thuận cao trong các thành viên”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết. 

Tại cuộc họp, ông Choudhury Rudra Charan Mohanty, điều phối viên Liên hiệp quốc nhấn mạnh, GTVT đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Để xây dựng được thành phố thông minh thân thiện với môi trường cần có sự hỗ trợ của các thành phần liên quan như khu vực công, khu vực tư. Khi xây dựng mục tiêu phát triển bền vững, LHQ xây dựng 25 mục tiêu, trong đó có 12 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực GTVT.

“Thách thức lớn đối với các thành phố châu Á là làm thế nào để quản lý sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đô thị trong những hạn chế của cơ sở hạ tầng và phát triển thành phố hiện nay. Vì thế nỗ lực xây dựng thành phố thông minh sẽ không chỉ là cải thiện khả năng di chuyển trong đô thị mà còn có thể đóng góp đáng kể vào các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030- liên kết nội đô và củng cố lẫn nhau, Thỏa thận Paris và các chương trình quốc tế khác về giảm rủi ro thiên tai. Trong đó, Thỏa thận Paris về biến đổi khí hậu kêu gọi tăng cường các hành động và đầu tư vào một tương lai bền vững và có hàm lượng carbon thấp để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này”, ông Mohanty nói và cho biết thêm các quốc gia thành viên của EST đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức EST 12, thể hiện sự tham gia mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ môi trường. “Liên hiệp quốc cam kết cùng Việt Nam tổ chức EST 12 thật sự thành công”, ông Mohanty nhấn mạnh.

Dự kiến nội dung chính của diễn đàn bao gồm: Cập nhật tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và tình hình thực hiện các mục tiêu bền vững (SDGs), trong đó nhấn mạnh các mục tiêu liên quan đến GTVT. Thông qua chương trình hành động cho các năm tiếp theo. Thảo luận các lựa chọn về chính sách giao thông vận tải bền vững về môi trường; các biện pháp thể chế, các can thiệp kĩ thuật, các cơ chế tài chính. Trao đổi, thúc đẩy triển khai hợp tác GTVT bền vững với các nước đối tác. 

Diễn đàn sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu. Trong đó, khoảng 250 quan chức Chính phủ từ các quốc gia thành viên EST; 75 đại diện từ các tổ chức quốc tế, lĩnh vực tư nhân, các học viện nghiên cứu; các chuyên gia EST, chuyên viên Liên hợp quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận