Nền tảng bùng nổ
Con số thống kê chính thức cho thấy bức tranh toàn cảnh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm là khá tich cực.
Tăng trưởng GDP đạt 5,73% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của ba năm 2012-2014 và năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,16% cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm dần và duy trì ở mức hợp lý. Xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 24,1%. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao (tiêu dùng dân cư tăng 7,02%, tích lũy tài sản tăng 9,5%).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, có 61 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, 15 nghìn doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Báo cáo mới phát hành ngày 4/7 của ngân hàng Thụy Sỹ UBS cho biết, GDP bình quân đầu người đang đạt ngưỡng mới, đặc biệt là ở TP.HCM và Hà Nội. Điều này đang kích thích tiêu dùng trong nước đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, từ điện thoại di động và xe máy đến du lịch và chăm sóc sức khoẻ.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến vững chắc và hậu quả của thời kỳ tăng trưởng tín dụng tự do, lạm phát cao và bong bóng bất động sản đã cơ bản được giải quyết nhờ những quyết sách lớn trong chính sách tiền tệ, cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Việt Nam đã duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 5% sang năm thứ hai liên tiếp, và đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định trên thị trường ngoại tệ. Cùng với câu chuyện tăng trưởng, sự ổn định của đồng nội tệ và tỷ giá cũng tạo ra sức hấp dẫn riêng cho nhà đầu tư ngoại.
Dòng tiền vào mạnh
6 tháng đầu năm, vốn nước ngoài vào Việt Nam lên đến con số kỷ lục mới là 19 tỷ USD, tăng tới 54% so với cùng kỳ. Sự đổ bộ của dòng vốn ngoại là do các nhu cầu dự án mới, mở rộng sản xuất và góp vốn, mua cổ phần.
Tác động trực tiếp là tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng còn một hiệu ứng khác cũng không kém phần quan trọng là tỷ giá và dự trữ ngoại tệ.
Con số dự trữ ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng thêm 1 tỷ USD lên mức kỷ lục 42 tỷ USD, trong bối cảnh nền kinh tế nhập siêu 2,7 tỷ USD mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, minh chứng cho điều này.
Yếu tố vốn ngoại cũng hiện diện trên bảng giao dịch điện tử. Thống kế cho thấy 6 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9.200 tỷ đồng trên sàn giao dịch chứng khoán, bỏ xa tất cả các kỷ lục từng có từ trước tới nay trong lịch sử 16 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khẩu vị của khối ngoại là cổ phiếu nhóm hàng tiêu dùng và xây dựng, cơ sở hạ tầng và các nhóm ngành liên quan, trong đó thiên về những mã vốn hóa lớn, tiêu biểu là VNM, PLX, ROS, HPG, NVL…
Một kỷ lục thứ hai là thời gian và mức độ ổn định của dòng tiền ngoại. Khối ngoại đã mua ròng đều đặn 25 tuần liên tục mà chỉ có 1 tuần bán ròng nhẹ, và xu hướng mua ròng vẫn chưa có xu hướng chững lại trong tháng Bảy.
Có ba yếu tố khiến dòng vốn ngoại bùng nổ. Yếu tố thứ nhất là kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô như đã nói ở trên. Yếu tố thứ hai là quy mô thị trường gia tăng - tạo sân chơi đủ rộng cho các nhà đầu tư lớn. Yếu tố thứ ba là triển vọng nâng hạng thị trường. Ficht đã nâng hạng tín nhiệm lên tích cực, đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường sáng giá hơn. Dù chưa được xem xét nâng hạng thị trường nhưng MSCI Frontier Markets nâng tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 12,63% trong tháng Năm vừa qua.
Đó là những bước đi đầu tiên thể hiện dòng vốn ngoại đã có sự chuyển hướng và gia tăng mạnh mẽ, nhắm tới cơ hội thị trường mở rộng và đón đầu cơ hội nâng hạng trong các năm tới.
Ông Lưu Đức Quang, Tổng giám đốc CTCK Artex: Diễn biến thị trường cho thấy, dòng tiền đang chuyển hướng mạnh mẽ từ các kênh khác qua đầu tư chứng khoán. Việc đăng ký giao dịch tập trung của các mã lớn tạo ra sự hấp dẫn hơn của thị trường, nhờ cả lượng tiền từ OTC chuyển qua TTCK chính thức cũng như việc các nhà đầu tư ngoại tăng giải ngân.
Để VN-Index bứt phá ngay lập tức lên mức 1.000 điểm thì khó, nhưng cơ hội chạm được mức đó thì có thể nhìn thấy.
Về lựa chọn cơ hội đầu tư, tôi cho rằng năm nay, khẩu vị của nhà đầu tư vẫn tập trung vào các doanh nghiệp có vốn hoá lớn, đầu ngành; doanh nghiệp mà giá cổ phiếu chưa tăng giá nhiều và những công ty có yếu tố phục hồi sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Kênh sinh lời lớn nhất
So với nhiều kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ, chứng khoán được đánh giá là một kênh sinh lời hấp dẫn nhất trong 6 tháng đầu năm.
Mức độ sinh lợi thể hiện qua chỉ số VN-Index tăng hơn 17% tính từ đầu năm, trong đó một số nhóm cổ phiếu quan trọng như cổ phiếu công ty chứng khoán tăng 47,1%, cổ phiếu dược tăng 38,8%, ngân hàng tăng 29,8%, bất động sản tăng 20,8%.
Thị trường không thiếu những cái tên ghi nhận mức tăng từ vài chục phần trăm, cho tới mức tăng gấp 3 - 5 lần chỉ trong vài tháng.
Tỷ suất sinh lời hấp dẫn là nguyên nhân dòng vốn thuần nội đổ vào thị trường với quy mô ồ ạt và gia tăng ổn định thời gian qua. Nếu như năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên, thì chỉ trong nửa đầu năm 2017, những phiên giao dịch với giá trị 5.000 - 5.500 tỷ đồng trở thành phổ biến.
Góp phần có được dòng tiền mạnh đổ vào thị trường là các công ty chứng khoán cũng, đặc biệt là nguồn tiền cấp margin cho khách hàng. Đòn bẩy giúp gia tăng tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư trong thị trường giá lên, đồng thời cũng khiến thanh khoản thị trường khong còn là rủi ro lớn đối với cả nhà đầu tư nội và ngoại.
Hai năm vừa qua, hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được các công ty chứng khoán phát hành là nhằm nâng cao năng lực tài chính và chuẩn bị nguồn vốn cho thời điểm thị trường bùng nổ.
Chỉ tính riêng 10 công ty chứng khoán top đầu thị trường, quy mô cấp margin tối đa có thể đạt trên 2 tỷ USD, tuy nhiên đến cuối 2016 dư nợ theo số liệu báo cáo tài chính mới chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng.
Dư địa cho tăng trưởng nguồn vốn và dòng tiền vào thị trường còn rất lớn.
Quy mô ngày càng hấp dẫn
Không phải ngẫu nhiên tiền lại chảy mạnh vào chứng khoán thời gian qua, khi quy mô thị trường đã gia tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu lớn.
Cuối năm 2016, hàng loạt tên tuổi như Habeco, Sabeco, FLC Faros, Novaland, Petrolimex, Cảng Hàng không Việt Nam, Đường Quảng Ngãi đã được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2017, sự xuất hiện của Vietnam Airlines (HVN), Vinatex (VGT), Masan Consumer (MCH), VIB và FPT Telecom (FOX) trên UPCoM. Đến tháng 2 có thêm sự xuất hiện của Vietjet (VJC), tiếp sau là Petrolimex (PLX), và gần đây là Kido Food (KDF).
Lần đầu tiên, những tên tuổi, thương hiệu lớn chi phối thị trường tại mỗi ngành nghề kinh doanh chính, được niêm yết và do đó đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường. Chính những cổ phiếu này cũng giúp thị trường có được những “nhóm dẫn dắt” luân phiên cho từng giai đoạn, từ đó đảm bảo sự ổn định của dòng tiền lớn tham gia vào thị trường.
Chỉ trong một thời gian ngắn, vốn hóa thị trường đã tăng thêm hơn 22 tỷ USD và liên tiếp gia tăng tỷ trọng so với GDP, từ 40% giữa năm 2016 lên 42% và 58% vào tháng 6 năm 2017.
Kể từ cuối năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam mở rộng đáng kể - số công ty có giá trị hơn 1 tỷ USD và giá trị giao dịch hàng ngày đều tăng gấp 3 lần, từ 7 lên 21 công ty. Trong số 21 công ty này, có 15 công ty có mã chứng khoán được đưa vào rố MSCI Frontier Market 100, so với con số 6 công ty thời điểm tháng 3/2017 và 4 công ty thời điểm tháng 12/2016.
Trái với các phỏng đoán về lượng hàng hóa gia tăng đột biến có thể khiến thị trường không hấp thụ hết và giá cổ phiếu sẽ suy giảm, thực tế ngược lại. Cả dòng vốn nội lẫn và ngoại gia tăng nhanh chóng, tất cả các đợt IPO, các cổ phiếu vốn hóa lớn chào sàn đều được đón nhất rất tích cực.
Dòng tiền thông minh đã phản ứng tức thời với đà tăng trưởng kinh tế, với sự ổn định kinh tế vĩ mô, với sự quyết liệt trong cải tổ doanh nghiệp Nhà nước và những tiến bộ vượt bậc về thể chế, luật lệ trong điều hành thị trường tài chính, thị trường chứng khoán.
So với cùng kỳ, số tài khoản giao dịch tăng 39% lên 1,8 triệu tài khoản, trong đó số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng 25% lên gần 20.000 tài khoản.
Cuối tháng 3, Giám đốc quản lý PYN Elite Fund của Phần Lan, ông Petri Deryng đã gửi thư tới các nhà đầu tư của quỹ về chiến lược đầu tư trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh về việc chỉ tập trung vào danh mục đầu tư tại Việt Nam và thoái phần vốn đầu tư còn lại tại thị trường Trung Quốc.
Cuối tháng 6, Vietnam Holding Limited – một trong những quỹ đầu tư lớn và lâu đời nhất trên thị trường khoán Việt Nam cũng được rót thêm hơn 50 triệu USD. Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn thứ 2 (12,63%) trong chỉ số MSCI FM 100.
Mặc dù năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng, quyết định của MSCI khiến Chính phủ quyết tâm hơn nữa, “làm những gì cần thiết” để lọt vào MSCI Emerging Markets (EM) - với cơ hội tiếp cận hơn 450 quỹ đầu tư toàn cầu với lượng tài sản 1.500 tỷ USD trong 3 năm tới.
Dự báo kịch bản cuối năm
Ngày 7/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Cùng đó, giảm lãi suất điều hành 0,25%. Đây là một trong những biện pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017.
Trước đó, ngày 7/6, nghị quyết của Quốc hội về giải quyết nợ xấu đã được thông qua và là bước ngoặt lớn trong tiến trình giải quyết nợ xấu ở các ngân hàng thương mại và nợ xấu liên quan đến bất động sản. Việc xử lý nợ xấu - vốn là vấn đề lớn, phức tạp và kéo dài mấy năm qua - cũng sẽ giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nửa cuối năm 2017, vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi của nền kinh tế như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực; sự đánh giá tích cực của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2017.
Tăng trưởng tiêu dùng cũng được dự báo tương đối sáng sủa trong những tháng cuối năm. Có nhiều yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng tiêu dùng đáng kể như các giải pháp kích thích đầu tư và sản xuất nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đề ra sẽ tạo nguồn cung sản phẩm dồi dào, giữ giá cả ở mức ổn định.
Thu nhập gia tăng nhanh đang là động lực đưa Việt Nam thành một trong nhưng thị trường tiêu dùng có tốc độ gia tăng nhanh và quy mô lớn ở châu Á.
Ngân hàng UBS dự báo, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc. Tổng vốn hóa thị trường của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 5 năm. Dự báo này chưa tính đến kịch bản MSCI nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi trong khung thời gian này.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi hiện hữu trong ngắn hạn và dài hạn kể trên, cũng không thể không lưu ý một số yếu tố rủi ro đặc thù trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, rủi ro đầu tiên là yếu tố giá cả khi áp lực tăng giá vẫn còn hiện hữu.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng là một rủi ro đáng kể cho một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Mặc dù tiền đồng ổn định nhờ cơ chế ấn định mới dựa trên giỏ hàng thương mại, rủi ro vẫn còn tồn tại. Rủi ro ngắn hạn lớn nhất là đồng Nhân dân tệ trượt giá trong bối cảnh Việt Nam đang có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Cân nhắc các yếu tố trên và qua thực tiễn diễn biến thị trường đầu năm, nhiều khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong một chu kỳ tăng trưởng dài hạn, với mục tiêu đầu tiên là VN-Index vượt 1.000 điểm vào cuối năm 2017, quay lại đỉnh giá lịch sử sau 10 năm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.