Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật (ngoài cùng bên phải) kiểm tra dự án hạ tầng giao thông |
PV: Nhu cầu về vốn cho phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn, nhất là trong giai đoạn tới ngành GTVT có nhiều dự án lớn, rất cấp thiết như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn, vốn bố trí cho ngành GTVT rất hạn chế, xin Thứ trưởng cho biết cụ thể vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Nhiệm vụ phát triển GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020 là hết sức nặng nề. Đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cần cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế, tiến tới giảm dần TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để đáp ứng yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 952.700 tỷ đồng (bao gồm: 604.800 tỷ đồng vốn ngân sách và 347.900 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách). Tuy nhiên, dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí khoảng 209.111 tỷ đồng; bao gồm: Vốn ODA nước ngoài 97.221 tỷ đồng, vốn trong nước 36.890 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 75.000 tỷ đồng; trong đó 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Đến nay, theo quy định, Bộ GTVT cũng chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn là 188.200 tỷ đồng. Nên về bản chất, số vốn được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn ngân sách (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn TPCP).
Về phần vốn NSNN: Với mức vốn NSNN được giao giai đoạn 2016 - 2020 là 134.111 tỷ đồng, đến nay Bộ GTVT mới được triển khai giao kế hoạch chi tiết 90% số vốn này với số tiền là 120.700 tỷ đồng.Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn NSNN sau khi bố trí để trả nợ đọng XDCB và hoàn trả khoảng 50% vốn ứng trước kế hoạch, số vốn còn lại sẽ tập trung toàn bộ cho vốn đối ứng các dự án ODA. Khi đó, số vốn nước ngoài được bố trí cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 67% (87.499 tỷ/129.563 tỷ), vốn đối ứng mới đáp ứng 56% (16.750 tỷ/29.494 tỷ đồng) nhu cầu vốn của các dự án ODA đang triển khai; không còn vốn để bố trí cho 27 dự án quan trọng, cấp bách đang triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, sẽ phải dừng, giãn toàn bộ 27 dự án này, gây lãng phí phần vốn đã đầu tư dở dang, mất ATGT, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường, đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút và chắc chắn sẽ tốn một khoản kinh phí lớn để tái khởi động lại dự án khi tiếp tục được bố trí vốn...
Để giải quyết phần nào các khó khăn trên, Bộ GTVT đã đề xuất phương án phân bổ: Trả đủ nợ đọng XDCB, thu hồi tối thiểu 50% vốn ứng trước kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn đối ứng các dự án ODA... và dành một phần vốn để thi công các dự án đang triển khai dở dang tới điểm dừng kỹ thuật hợp lý, đảm bảo điều kiện ATGT, phát huy hiệu quả vốn đầu tư đã thực hiện. Với phương án này, Bộ GTVT cũng kiến nghị được sử dụng toàn bộ số vốn dự phòng trong giai đoạn (khoảng 3.619 tỷ đồng) cho các dự án đang thực hiện dở dang. Hiện, Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để xử lý tiếp phương án giao vốn.
Về phần vốn TPCP: Bộ GTVT dự kiến được phân bổ 75.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020: 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Đến nay, Thường trực Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với mức vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 55.000 tỷ đồng vốn TPCP hỗ trợ và giao Bộ GTVT nghiên cứu phân bổ số vốn TPCP giai đoạn 2017 - 2020 còn lại (khoảng 15.000 tỷ đồng) để đầu tư các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác (dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và 8.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông quan trọng, cấp bách). Hiện, Bộ GTVT đang phối hợp cùng với các bộ, ngành để báo cáo Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn vào Kỳ họp tháng 05/2017 của Quốc hội.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT giai đoạn 2016 -2020 là xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Để hoàn thành được dự án này, ngành GTVT đã có những giải pháp nào để có đủ nguồn lực, thưa Thưa trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Dự án cao tốc Bắc - Nam - trục giao thông xương sống của hệ thống đường bộ - là dự án quan trọng quốc gia. Việc sớm đầu tư đưa dự án vào khai thác đã trở nên cấp bách, không thể trì hoãn. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn đầu tư của Dự án rất lớn, trong khi nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao. Do vậy, Bộ GTVT đang trình Chính phủ phương án đầu tư dự án theo hình thức PPP để huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực tế đến nay, ngành GTVT mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước với năng lực tài chính, kỹ thuật còn hạn chế; nguồn vốn huy động chủ yếu từ nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước.
Trong khi đó, nguồn tín dụng dài hạn trong nước ở mức thấp, dư nợ tín dụng dài hạn đang cao, việc tiếp tục huy động nguồn vốn tín dụng trong nước rất khó khăn. Như vậy, cần nghĩ đến kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và huy động nguồn vốn tín dụng từ nước ngoài. Việc này cũng chưa khả quan vì qua quá trình tham vấn, các nhà đầu tư, các ngân hàng tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế đều yêu cầu Chính phủ chia sẻ các rủi ro thuộc về chính sách do Chính phủ quản lý và cần thiết phải có bảo lãnh của Chính phủ đối với các rủi ro này. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, cơ bản các dự án đầu tư phát triển KCHTGT không đáp ứng điều kiện được Chính phủ cung cấp bảo lãnh. Do vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép cung cấp các bảo lãnh cho 01 dự án thí điểm (Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết) để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn nước ngoài để từ đó tổng kết, đánh giá hiệu quả và quyết định việc có tiếp tục áp dụng ở quy mô lớn hơn hay không. Đối với phần vốn còn lại huy động nguồn vốn trong nước, Bộ đã kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất giải pháp tăng cường gói tín dụng dài hạn để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai được các dự án cao tốc Bắc - Nam và đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Ngoài các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn về tín dung nêu trên, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp mang tính tổng thể để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia như:
Thứ nhất: Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư đối tác công - tư có tính đến đặc thù của hình thức đầu tư này, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; đặc biệt nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế chính sách điều chỉnh các khoảng trống pháp lý hiện nay; sớm xây dựng và ban hành luật đầu tư đối tác công tư.
Thứ hai: Tất cả các dự án đều phải đấu thầu và chỉ đấu thầu sau khi cơ quan nhà nước phê duyệt thiết kế và dự toán thay vì tổng mức đầu tư như hiện nay.
Thứ ba: Triển khai áp dụng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT.
Thứ tư: Thực hiện công khai, minh bạch hoá thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức PPP để thuận tiện cho xã hội giám sát các thông tin liên quan đến mức phí, vị trí trạm thu phí, doanh thu thu phí...; quản lý, giám sát tốt chi phí đầu tư, chất lượng công tác bảo trì dự án, giám sát doanh thu... Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng và công khai trang thông tin điện tử để công bố các thông tin liên quan đến các dự án PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm dễ dàng tiếp cận, giám sát.
Thứ năm: Bên cạnh việc phát hiện và phản ánh kịp thời các tồn tại hạn chế, cần tuyên truyền một cách khách quan nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong tất cả các chủ thể, toàn dân về một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thứ sáu: Tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật thanh kiểm tra, đấu tranh với các sai phạm để xử lý nghiêm minh.
PV: Thưa Thứ trưởng, không chỉ vốn cho các dự án trọng điểm, mà nhiều dự án khác cần đầu tư cho lĩnh vực hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, thì ngành GTVT đã có kế hoạch như thế nào để giải quyết?
Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Để phát huy hiệu quả đầu tư, trên cơ sở nguồn vốn được giao, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng tiến độ của từng dự án để có các phương án triển khai dự án phù hợp với nguồn vốn được giao. Ngoài ra, Bộ tiếp tục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho các lĩnh vực, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, đường thủy nội địa để đáp ứng được nhu cầu khai thác, phục vụ cho việc phát triển KT-XH của đất nước.
Đối với các dự án trọng điểm của các lĩnh vực còn lại, Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để bố trí nguồn vốn cho các dự án kết cấu hạ tầng thuộc các lĩnh vực này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.