Vốn từ kế hoạch 'Vành đai và Con đường' của TQ tìm đến Việt Nam

Thị trường 16/05/2017 06:25

Hưởng ứng sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa” thế kỷ 21 chạy khắp Á – Âu của Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp ngành xây dựng nước này cũng đang tích cực tìm đến Việt Nam.

 

Vốn từ kế hoạch 'Vành đai và Con đường' của TQ tìm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi gặp gỡ phái đoàn đầu tư Hong Kong và Thượng Hải do HKTDC dẫn đầu hôm 10/5. 

Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) Vincent HS Lo vừa dẫn đầu một phái đoàn 40 nhà đầu tư và chuyên gia đến thăm Hà Nội và TP HCM. Thành phần phái đoàn gồm các doanh nghiệp lớn trong nước (gồm cả Hong Kong) trong các ngành tài chính, tư vấn, kiến trúc, năng lượng, xử lý nước và chất thải, kỹ thuật và xây dựng, luật và kế toán, giao thông vận tải ...

“Phái đoàn của chúng tôi có mục tiêu đầu tư vào các lĩnh vực mà trọng tâm đặc biệt là thực hiện sáng kiến "Vành đai và Con đường” do Chính phủ Trung Quốc triển khai, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng khu vực. Chúng tôi xác định rằng Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây chính là yếu tố then chốt để tăng cường thương mại, giao thương giữa các quốc gia", ông Vincent HS Lo cho biết.

Phái đoàn này cũng có có buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, các buổi gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các tên tuổi lớn như Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) hay Công ty Phát triển Bất động sản Sunny World cũng đã diễn ra.

“Với chính sách hết sức linh hoạt của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin rằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại đây là hoàn toàn khả thi so với các quốc gia khác ở châu Á. Cùng với các doanh nghiệp do HKTDC giới thiệu, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác khác để có thể bày tỏ sự quan tâm đặc biệt vào dự án đầu tư 1.000 km đường cao tốc Bắc Nam”, ông Johnson Choi - Giám đốc điều hành Tập đoàn Sunwah vừa tiết lộ.

Cũng theo ông Choi, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện sự hỗ trợ cho doanh nghiệp như những gì họ cam kết. So với các nước trong khu vực, tính thanh khoản của đồng tiền Việt Nam đang ở mức độ tốt hơn. “Hai mươi năm qua, chúng tôi chuyển kiều hối về Hong Kong khá dễ dàng”, vị này nhận xét.

Chủ tịch HKTDC Vincent HS Lo thì tin rằng, doanh nghiệp Hong Kong và Trung Quốc sẽ có thế mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhờ nguồn vốn dồi dào và kinh nghiệm tốt. “Hong Kong là trung tâm tài chính của thế giới nên chúng tôi dễ dàng huy động nguồn vốn từ khắp nơi để đầu tư. Đồng thời, chúng tôi có kinh nghiệm trong hầu hết các dịch vụ, từ tư vấn đến triển khai xây dựng và vận hành”

Cũng theo ông Vincent HS Lo, các doanh nghiệp Hong Kong và Trung Quốc đại lục đang để mở về hình thức đầu tư và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hình thức hợp tác công tư (PPP). Cùng với đó, ở giai đoạn hiện tại, việc hợp tác góp vốn liên doanh cũng được cân nhắc nhiều hơn là đầu tư 100% vốn, nhằm tận dụng hiểu biết thị trường bản địa của doanh nghiệp Việt Nam.

“Các công ty chưa quen được môi trường kinh doanh tại Việt Nam nên cũng sẽ có một số băn khoăn về các yêu cầu pháp lý, triển khai, vận hành các dự án theo thông lệ tại đây. Ngoài ra còn là cách thức vận hành thị trường ngoại hối như thế nào. Bởi vì huy động vốn thì không khó nhưng việc quản lý dòng tiền thế nào là cả một bài toán”, Chủ tịch HKTDC nhận định và cho rằng, việc góp vốn liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam sẽ phần nào khắc phục được các nhược điểm này.

Ngày 14/5, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã chủ trì Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, với gần 30 lãnh đạo trên thế giới. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường", nhằm hồi sinh “Con đường tơ lụa” kết nối Á – Âu của nước này. Theo đó, Credit Suisse Group dự báo, Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới để thực hiện kế hoạch nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của mình.

Ý kiến của bạn

Bình luận