Vụ bắt CFO Huawei khiến Bắc Kinh phẫn nộ, đe dọa đàm phán

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 06/12/2018 16:13

Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada đã có những phản ứng mạnh mẽ sau vụ việc.

600x-1-4-15440635665611683185211
 Ông Ren Zhengfei (bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Wanzhou Meng, Giám đốc Tài chính (CFO) và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei, bị bắt khi quá cảnh tại Canada hôm 1/12. Bà đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Iran. Hồi tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã mở cuộc điều tra về việc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bán thiết bị viễn thông cho Iran bất chấp lệnh cấp nhập khẩu mà Mỹ ban hành.

Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cho biết họ kiên quyết phản đối việc bắt giữ và đã đưa ra những phản ứng mạnh mẽ với Canada và Mỹ. Trên trang web của mình, Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu chính quyền Canada ngay lập tức phóng thích công dân nước này và "sửa chữa ngay lập tức những hành vi sai trái".

"Theo yêu cầu của phía Mỹ, Canada đã bắt giữ một công dân Trung Quốc không vi phạm bất cứ luật pháp nào của Mỹ hoặc Canada. Phía Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những hành động làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền con người của nạn nhân", Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.

Vụ bắt giữ có thể làm dấy lên những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bất chấp cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina vài ngày trước nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước. Thậm chí, vụ việc còn gây thêm những áp lực với cuộc đàm phán thương mại gai góc mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực tiến hành để ngăn chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, cha của bà Meng là Ren Zhengfei, một cựu kỹ sư quân đội, và là một trong những doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc. Công lao của ông Ren được nhắc đến nhiều ở Trung Quốc khi biến một công ty bán lẻ thiết bị điện tử trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới và là một nhà sản xuất thiết bị mạng hàng đầu.

Vụ bắt giữ CFO của Huewei có thể được coi là một cuộc tấn công vào tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc. Trong khi Alibaba và Tencent vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước, công ty của Ren là công ty công nghệ toàn cầu, với hoạt động trải khắp châu Phi, châu Âu và châu Á. Công ty này theo đuổi tham vọng trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo với sản xuất chip hay công nghệ 5G.

Mỹ bắt đầu bày tỏ lo ngại về việc Huawei và các nhà sản xuất khác có thể cài đặt những "cửa sau" vào thiết bị để có thể truy cập vào hệ thống và theo dõi người dùng Mỹ. Tuy nhiên, Huawei đã bác bỏ cáo buộc.

Dẫu vậy, Lầu Năm Góc đã ngừng sử dụng các thiết bị của Huawei trong các căn cứ quân sự của họ vì những lo ngại về an ninh. Best Buy, một trong những nhà bán lẻ đồ điện tử lớn nhất của Mỹ, gần đây cũng đã ngừng bán các sản phẩm của Huawei. Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một đạo luật cấm sử dụng công nghệ của Huawei trong chính phủ vì những lo ngại về an ninh.

Nhiều đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, New Zealand hay Nhật Bản cũng đã có những động thái tương tự.

Ý kiến của bạn

Bình luận