Đưa người bị nạn vào bờ cảng Cửa Tùng |
Một người tử vong do đột tử
Như đã thông tin, lúc 7 giờ 30 ngày 11-10, tàu Ngọc Tuấn 01 chở hàng từ cảng Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đi đảo Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị). Tàu còn chở thêm 36 người trong đó có 18 người dân, công nhân và 18 người gồm thủy thủ đoàn, các chiến sĩ biên phòng, công an.
Lúc 10 giờ 30, tại vị trí cách đảo Cồn Cỏ gần 5 hải lý, tàu bị bục khoang mũi ở đáy, nước tràn vào, chìm dần trong khoảng 20 phút rồi chìm hẳn. Khi tàu bắt đầu gặp sự cố, thủy đoàn và người trên tàu đã phát tín hiệu cầu cứu. Nhiều người hò hét nhảy xuống biển để bơi hoặc cố bám vào vật gì đó để cố không bị chìm.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã điều động lực lượng và phương tiện của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đến hiện trường. Sau đó, tàu Cảnh sát biển 2016 của Vùng 2 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cùng 2 tàu cá ngư dân Cửa Tùng (Quảng Trị) và Quảng Ngãi đang đánh bắt gần đó và tàu cá ở đảo Cồn Cỏ đến cùng cứu hộ, cứu nạn. Đến 12 giờ 20 phút, với sự nỗ lực của các lực lượng và ngư dân, toàn bộ người trên tàu được cứu kịp thời, đưa về cảng Cửa Tùng.
Hiện sức khỏe mọi người đã ổn định, có người trở về đơn vị, người về nhà. Cuộc đoàn tụ, hội ngộ trên bờ với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều người vui mừng bật khóc khi từ cõi chết trở về. Họ bày tỏ sự biết ơn đến lực lượng biên phòng, cảnh sát biển cùng các ngư dân trên biển.
Người phụ nữ duy nhất trên tàu tử vong là bà Nguyễn Thị Huệ (SN 1964, khu phố 10, trú phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Bà Huệ nấu ăn cho 1 đơn vị xây dựng ở đảo Cồn Cỏ. Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Linh đến tổ chức khám nghiệm tử thi và xác đình nguyên nhân tử vong là do đột tử. “Khi thấy tàu đang chìm, bà Huệ quá sợ hãi, tinh thần hoảng loạn, la hét dẫn đến chết lâm sàng và đột tử. Nạn nhân tử vong ngay trên tàu chứ không phải tử vong do ngạt nước”, một cán bộ xác nhận.
Trách nhiệm thuộc về lực lượng Biên phòng
Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Huy Thỏ - Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, tàu Ngọc Tuấn 01 (Doanh nghiệp Tuấn Ngọc do ông Hồ Thanh Ngọc làm giám đốc) là tàu chở hàng và tải trọng là 300 tấn nhưng lại chở hành khách là vi phạm. Việc tàu ra vào khơi, lệnh xuất cảng là do Biên phòng quản lý.
Lực lượng chức năng đưa nạn nhân trở về đơn vị, về nhà |
Theo quy định, tàu này chỉ được cấp phép chở hàng hóa cùng với một số người nhất định (như thủy thủ đoàn và người có chức trách). Tuy nhiên, lúc xảy ra tai nạn, trên tàu có 36 người. Trách nhiệm này thuộc về lực lượng biên phòng, cụ thể là Đồn Biên phòng Cửa Tùng. Thượng tá Nguyễn Huy Thỏ xác nhận: “Lực lượng biên phòng có trạm kiểm soát ở cảng Cửa Tùng kiểm tra thủ tục hành trình ra vào cảng của tàu. Khi kiểm tra để cấp thủ tục hành trình, tàu có đầy đủ giấy tờ nên cho xuất bến. Về việc chở hàng hóa thì tàu phải có hợp đồng với các đơn vị xây dựng. Số người bị nạn có thể do họ trốn lên tàu hoặc được chủ tàu đồng ý sau khi tàu đã xuất cảng”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có tàu chuyên chở người ra đảo Cồn Cỏ. Các tàu chở hàng thường kết hợp, vận dụng chở người ra đảo theo các tàu hàng. Tàu Ngọc Tuấn 01 là tàu chuyên chở hàng hóa, vật liệu ra đảo Cồn Cỏ để phục vụ xây dựng, đời sống sinh hoạt trên đảo từ nhiều năm nay nhưng kết hợp chở nhiều người là vi phạm.
“Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã báo cáo vụ việc với UBND tỉnh, trước mắt đề nghị tạm dừng hoạt động của tàu Ngọc Tuấn 01; đề xuất điều tra nguyên nhân tàu bị chìm để có hướng xử lý và về lâu dài phải có phương án vận chuyển người ra vào đảo Cồn Cỏ”, thượng tá Nguyễn Huy Thỏ chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.