Vũ khí giá rẻ Trung Quốc chật vật chen chân vào thị trường thế giới

Sản phẩm 01/11/2016 14:09

Vũ khí giá rẻ Trung Quốc dù đã cải thiện chất lượng nhưng được đánh giá là khó chen chân với các đại gia thế giới.

 

china-reuters_ykyk_dckb
 

Nguyên nhân chính theo giới chuyên gia nhận định là các nước thiếu niềm tin chính trị ở nước này. 

Giới chuyên gia nhận xét Trung Quốc quá chú trọng vào việc chế tạo vũ khí mà không quan tâm đến khâu hậu mãi khiến các nhà thầu nước này không đủ sức cạnh tranh. Reuters

Trung Quốc ngày 1/11 sẽ tổ chức triển lãm hàng không tại thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông). Trong số hơn 700 nhà triển lãm của 42 nước tham gia, Trung Quốc chiếm hơn 400 và trưng bày hơn 900 món vũ khí, theo South China Morning Post ngày 31.10.

Theo giới chuyên gia quân sự nhận định, vũ khí giá rẻ của Trung Quốc đã cải thiện được chất lượng, nhưng như vậy là không đủ để các nhà sản xuất nước này xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, so với 2 ông lớn Mỹ và Nga.

Ông Andrei Chang của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense tiết lộ tại triển lãm quốc phòng hồi tháng 9 ở Nam Phi, các nhà triển lãm Trung Quốc cũng vất vả tìm khách hàng dù đã nỗ lực quảng cáo cho mẫu máy bay huấn luyện L-15 và chiến đấu cơ JF-17.

Ông Chang thậm chí cho hay Cameroon đã nhận 4 trực thăng tấn công Z-9 của Trung Quốc sau khi nhận được khoản vay 100 triệu USD. Tuy vậy, số máy bay vừa được giao thì một chiếc bị rơi khiến Cameroon không còn ý định mua vũ khí Trung Quốc nữa.

Giáo sư Jonathan Holslag, thuộc Viện Brussels nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại, cho biết ngoài vấn đề giá cả thì sự cạnh tranh và việc bảo dưỡng, huấn luyện cũng là những yếu tố khiến cho các nhà sản xuất quốc phòng Trung Quốc khó tìm đối tác.

Hơn nữa, một sự kiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất vũ khí của nước này xảy ra hồi tháng 9. Khi đó, hải quân Indonesia tập trận dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng thống Joko Widodo. Hai tên lửa chống hạm C-705 mua của Trung Quốc được phóng nhưng bị trục trặc kỹ thuật, chẳng chiếc nào trúng mục tiêu.

Chuyên trang quốc phòng IHS Jane's cho hay tên lửa đầu tiên không phóng khỏi tàu chiến sau khi khai hoả mà tự động phóng ra 5 phút sau đó. Chiếc thứ hai thì trục trặc giữa đường và kết quả là không tên lửa nào trúng mục tiêu.

Tuy vậy, chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh bào chữa rằng có thể do thời tiết ở Indonesia khác biệt với ở Trung Quốc (?) nên tên lửa bị trục trặc. Ông Jie cho rằng có thể hải quân Indonesia đã không điều khiển tên lửa đúng quy trình dẫn đến việc bắn trật mục tiêu.

Tin tưởng chính trị

Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều nước tỏ ra không mặn mà với vũ khí Trung Quốc là vì thiếu sự tin tưởng chính trị cần thiết đối với nước này. Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc đại học quốc gia Singapore nhìn nhận dù ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã phát triển nhưng chất lượng "không phải loại tốt nhất".

Ông Chaturvedy nói Trung Quốc đã đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu và cải tiến trong thời gian qua nhưng điều đó chưa đủ. "Công nghệ tiên tiến sẽ là yếu tố rất quan trọng trong việc định hình thị trường vũ khí toàn cầu. Mỹ và vài nước đi trước Trung Quốc trong mảng này, nhưng một yếu tố quan trọng khác là các nhà nhập khẩu vũ khí thiếu niềm tin chính trị ở Trung Quốc".

Nhà quan sát quân sự Zhou Chenming, từng làm việc cho Tập đoàn khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, dẫn chứng lòng tin chính trị là yếu tố chính khiến chính phủ mới của Sri Lanka thờ ơ với hợp đồng vũ khí mua của Trung Quốc mà chính phủ trước đó đã thoả thuận.

Tạp chí tiếng Trung Kanwa Defense Review đưa tin hồi tháng 9 rằng Tổng thống Maithripala Sirisena của Sri Lanka nói có thể huỷ hợp đồng mua vũ khí với Trung Quốc.

Tổng tham mưu trưởng Kilitha Gunathilake của nước này cũng đã bác bỏ tin đồn ký với Trung Quốc hoặc Pakistan mua máy bay chiến đấu JF-17, theo ông Andrei Chang tiết lộ. "Tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Đến giờ tôi mới chỉ xem mẫu máy bay mô hình của JF-17", ông Gunathilake tuyên bố.

Ý kiến của bạn

Bình luận