Vụ máy bay Egyptair bị không tặc: Đối tượng bắt cóc đầu hàng

Xã hội 30/03/2016 09:01

Kẻ cướp máy bay Airbus A320 thuộc hãng hàng không EgyptAir của Ai Cập buộc phi công phải hạ cánh trên đảo Cyprus

h17a
Những hành khách được thả tự do khi máy bay hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Larnacacủa Cyprus. Ảnh: AP

Ngày 29-3, máy bay mang số hiệu MS181 của Hãng hàng không EgyptAir, Ai Cập đang trên hành trình từ thành phố Alexandria đến thủ đô Cairo chở theo 81 người, trong đó có 21 người nước ngoài và 17 thành viên phi hành đoàn, đã bị bắt cóc.

Các nguồn tin an ninh cho biết, một chuyến bay đi từ Cairo đến New York (Mỹ) cũng phải trì hoãn do lo ngại an ninh liên quan đến vụ không tặc này. Hiện, vụ bắt cóc đã khép lại sau khi đối tượng tấn công thả hết con tin và đầu hàng dù đã cố buộc máy bay hạ cánh xuống Cyprus và đòi tị nạn chính trị ở đây.

Động cơ chính trị hay cá nhân?

Ban đầu, Reuters dẫn nguồn tin từ các hãng thông tấn nhà nước Ai Cập cho biết, kẻ không tặc là công dân nước này có tên Ibrahim Samaha. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Ngoại giao Cyprus xác nhận kẻ bắt cóc là Seif Eldin Mustafa, chứ không phải là Ibrahim Samaha.

Theo Cơ quan hàng không dân dụng Ai Cập, tên không tặc lúc đầu đe dọa kích hoạt đai thuốc nổ trên máy bay.Sau đó, y buộc máy bay phải hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Larnaca của Cyprus – nơi đối tượng bắt cóc yêu cầu được tị nạn. Nhà chức trách Cyprus nhanh chóng thành lập đội xử lý khủng hoảng. Bộ trưởng Hàng không dân dụng Sherif Fathy cho biết, sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Larnaca, hầu hết các hành khách được thả thông qua cuộc thương lượng cam go với tên không tặc. Lúc đầu, còn lại 3 người nước ngoài và 4 thành viên phi hành đoàn trên máy bay trong bối cảnh lực lượng an ninh được triển khai khắp sân bay. Vụ bắt cóc kết thúc khi tên này đã đầu hàng và thả hết những người còn lại.

Hãng truyền thông CyBC của Cyprus và Đài Truyền hình tư nhân Antenna cho biết, tên không tặc yêu cầu thả một nữ tù nhân ở Ai Cập, động thái mà giới phân tích cho là “hoàn toàn mang động cơ chính trị”. Y cũng yêu cầu được liên lạc với các quan chức Liên minh Châu Âu (EU), trích dẫn lá thư viết bằng tiếng Arab của tên không tặc thả vào một tạp dề ở khu sân bay Larnaca. Tuy nhiên, báo cáo trước đó của Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades và các nguồn tin an ninh nước này cho thấy, vụ việc này không liên quan đến khủng bố hay chính trị mà chỉ mang động cơ cá nhân. Theo các nguồn tin, tên này yêu cầu chuyển một lá thư y viết sẵn đến tận tay người vợ cũ của mình ở Cyprus.

Đòn giáng mạnh du lịch Ai Cập

Trong khi chưa rõ động cơ thật sự đằng sau vụ cướp máy bay này, vụ việc kịp giáng đòn mạnh mẽ vào ngành công nghiệp du lịch của Ai Cập và làm tổn thương những nỗ lực vực dậy một nền kinh tế đang được tái cơ cấu sau thời gian bất ổn chính trị do cuộc nổi dậy năm 2011.

Du lịch, ngành dịch vụ hái ra tiền của Ai Cập, thật sự vẫn đang quay cuồng sau vụ một máy bay chở khách Nga bị rơi tại bán đảo Sinai vào cuối tháng 10-2015. Du lịch càng điêu đứng khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi thừa nhận, đây là một cuộc tấn công khủng bố. Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS khẳng định đã gài bom trên máy bay Nga, giết chết tất cả 224 người trên khoang.

Ai Cập hiện tuyên bố cho biết sẽ gửi một máy bay đến Cyprus để đón du khách bị  mắc kẹt, một số người trong số họ đến Cairo để sau đó ra nước ngoài.

Ý kiến của bạn

Bình luận