"Vua hầm" nhập cuộc làm hạ tầng đường sắt

Đường sắt 16/03/2024 13:29

Hai hầm đường sắt Khe Nét do Liên danh Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện sẽ được triển khai thi công từ ngày 21/3.

"Vua hầm" nhập cuộc làm hạ tầng đường sắt- Ảnh 1.

Mô hình hầm đường sắt Khe Nét

Sẵn sàng thi công hầm đường sắt Khe Nét

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đường sắt, hai hầm đường sắt Khe Nét sẽ được triển khai thi công từ ngày 21/3/2024. Ông Nguyễn Duy Sông - Giám đốc Ban Điều hành gói thầu xây dựng 2 hầm đường sắt Khe Nét cho biết, hiện nay, nhà thầu đã hoàn thành khu nhà điều hành, huy động mở đường công vụ vào cửa Bắc hầm số 1, hoàn tất thoả thuận với địa phương để có mặt bằng thi công đường công vụ vào 3 cửa hầm còn lại, hoàn thành móng trạm trộn bê tông.

"Nhà thầu đã huy động 15 đầu máy móc thiết bị, 60 kỹ sư công nhân phục vụ công tác chuẩn bị thi công. Sau lễ động thổ, nhà thầu sẽ tiếp tục huy động lực lượng lớn nhân sự, thiết bị để chính thức triển khai xây dựng", ông Sông cho hay.

Gói thầu XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt là gói thầu quan trọng thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA. Gói thầu XL01 trị giá gần 552 tỷ đồng, nằm trên địa phận xã Hương Hoá và Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 620 m dự kiến được xây dựng trong 23 tháng, hầm 2 có chiều dài 393 m dự kiến được xây dựng trong 13,5 tháng, khổ hầm 10 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.

Liên danh Il Sung - Đèo Cả đã trúng thầu quốc tế, trở thành nhà thầu thi công xây dựng gói thầu XL01. Đây là dấu mốc quan trọng xác lập sự tham gia thi công xây dựng của Đèo Cả trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt, tại một dự án trọng điểm trong nước.

"Vua hầm" nhập cuộc làm hạ tầng đường sắt- Ảnh 2.

Tập đoàn Đèo Cả ký hợp tác với Công ty Thương mại Dầu khí Lào

Kích hoạt tuyến đường sắt Việt – Lào

Trước đó, tháng 10/2023, Bộ GTVT có công văn chấp thuận liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Thương mại Dầu khí Lào là nhà đầu tư đề xuất dự án, thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Vũng Áng (Việt Nam) - Viêng Chăn (Lào) đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP. Theo đó, liên danh này có trách nhiệm hộp hồ sơ đề xuất dự án gửi Ban Quản lý đường sắt trước ngày 10/10/2024.

Đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ có tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga với tổng mức đầu tư 27.485 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể dự án đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn, với tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa phận hai quốc gia Việt Nam và Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước, được thể hiện trong quá trình triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.

Từ đầu năm 2023, theo lời mời của Tập đoàn PTL Holding (Lào), Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia nghiên cứu đề xuất dự án đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn. Điều đáng nói, Tập đoàn Đèo Cả không phải đơn vị đầu tiên quan tâm tiếp cận tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. Nhưng đây mới là những chuyển biến tích cực đầu tiên của dự án đường sắt này sau nhiều năm "giậm chân tại chỗ".

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đang phối hợp chặt chẽ với đối tác Lào để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án theo đúng yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

"Vua hầm" nhập cuộc làm hạ tầng đường sắt- Ảnh 3.

Khai giảng khóa đường sắt metro

Chuẩn bị nguồn lực phát triển hạ tầng đường sắt

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 thực hiện nâng cấp 2.440 km tuyến đường sắt hiện hữu, hoàn thành 2.362 km tuyến đường sắt mới, tầm nhìn đến năm 2050 có 6.354 km đường sắt trong mạng lưới quốc gia được quy hoạch. Trong đó, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến metro đô thị… Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5 - 10 năm tới.

Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, tháng 1/2024, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng đường sắt - metro. Các module đào tạo tại sẽ gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn thi công, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cho mục tiêu hoàn thành đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước mắt và định hướng lâu dài cho phát triển đường sắt - metro của đất nước trong tương lai.

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như: Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các trường như: Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc "nhập khẩu" chương trình và chuyên gia đào tạo.

"Chúng tôi cũng hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… học tập công nghệ, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, củng cố năng lực tổ chức để đấu thầu", ông Nguyễn Quang Vĩnh nói.

Những bước đi khẩn trương và bài bản của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy tinh thần quyết tâm, sẵn sàng nhập cuộc, không chỉ là để góp mặt, mà sẽ ghi dấu bằng chính những đóng góp cụ thể trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt nước nhà.