Phụ huynh đón học sinh ra về tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Bình Thạnh, TP.HCM trưa 18-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Từ ngày 14-8 tới giờ, vợ chồng tôi quay như chong chóng với việc đưa đón con đi học. Các cháu tựu trường nhưng chỉ học 1 buổi. Sau ngày khai giảng, nhà trường mới tổ chức bán trú” - anh P.H.N., phụ huynh học sinh một trường tiểu học trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết.
Cuộc sống đảo lộn, bị cơ quan phê bình
Anh N. kể: “Gia đình tôi có hai con. Cháu lớn đang học THCS ở quận Bình Thạnh, cũng tựu trường ngày 14-8 và cũng chỉ học một buổi. Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, ông bà nội ngoại thì ở xa, không thể nhờ vả được.
Chỉ còn mỗi cách vợ chồng thay phiên nhau đưa đón con. Hậu quả là công việc đình trệ, đi trễ về sớm, bị cơ quan phê bình, chúng tôi rất mệt mỏi...”.
Tương tự, chị M.N., phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở quận 1, cũng bức xúc: “Chuyện này không phải mới năm nay mà đã diễn ra nhiều năm rồi. Tôi không hiểu vì lý do gì mà ngành giáo dục thành phố bắt học sinh tựu trường từ giữa tháng 8, rồi đến ngày 5-9 mới khai giảng?
Hai tuần trước ngày khai giảng học sinh đã bước vào chương trình chính thức của năm học mới. Như vậy thì mọi hoạt động của nhà trường cũng phải chính thức và quy củ, đằng này mọi thứ đều chỉ là tạm bợ.
Thời khóa biểu chỉ là tạm thời, sau ngày khai giảng sẽ có thời khóa biểu chính thức. Giờ học sinh chỉ học một buổi thay vì học bán trú như thông thường”.
Không những vậy, chị Trần Thu Mai, phụ huynh có con học tiểu học ở quận 11, còn kể khổ: “Hai tuần không có bán trú, chúng tôi đâu thể nào xin nghỉ hết hai tuần. Thế là bất đắc dĩ phải đưa con đến nơi làm việc của bố hoặc mẹ.
Mà trẻ ở độ tuổi tiểu học rất hiếu động, không chỉ mình tôi đưa con đến, các đồng nghiệp khác cũng phải làm như vậy. Hậu quả: cơ quan làm việc trở thành nơi giữ trẻ, những ngày này ồn ào, ầm ĩ, rất khó làm việc; các sếp thì nhăn nhó, đồng nghiệp thì cau có...”.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một trường tiểu học khá nổi tiếng của TP chia sẻ: “Lịch tựu trường là của UBND TP, quận. Chúng tôi cũng theo lịch đó, yêu cầu các trường phải thực hiện, chứ chúng tôi không muốn tựu trường sớm như vậy.
Tựu trường sớm, mọi thứ rất cập rập, giáo viên cũng rất vất vả mà không để làm gì. Tựu trường sớm thì kết thúc chương trình sớm, đến giữa tháng 5 là mọi thứ xong xuôi hết rồi, học sinh đến trường chủ yếu là vui chơi...”.
Nhiều khó khăn
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Trường tiểu học Bế Văn Đàn, quận Bình Thạnh, phân tích: “Chúng tôi rất hiểu những khó khăn của phụ huynh trong những ngày này, khi con em chỉ đi học một buổi trong ngày. Nhưng để tổ chức bán trú thì cần sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm, và cả chương trình học tự chọn buổi thứ hai...
Nói ra thấy đơn giản, nhưng để đảm bảo cho hơn 1.000 học sinh ăn, ngủ, học cả ngày trong trường thì nhà trường phải rà soát, chuẩn bị. Ngày tựu trường mà tổ chức bán trú ngay thì không kịp”.
Trong khi đó, lãnh đạo một số trường tiểu học trên địa bàn quận Phú Nhuận lại nêu khó khăn khác: “Quận chúng tôi chỉ cho thu học phí buổi thứ hai (bậc tiểu học được miễn học phí, học sinh học bán trú mới phải đóng học phí buổi thứ hai - PV) 9 tháng/năm học: từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau.
Do đó, tháng 8 không thể tổ chức bán trú vì không được thu tiền buổi thứ hai, mặc dù phụ huynh có nhu cầu và tha thiết muốn gửi con bán trú”.
Đa số hiệu trưởng trường tiểu học tỏ ra tâm tư, vì bậc tiểu học tựu trường sớm hai tuần trước ngày khai giảng không có ý nghĩa gì cả. Chưa kể điều này rất tréo ngoe và làm mất đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng.
Nếu tựu trường và khai giảng vào cùng ngày 5-9 thì các trường tiểu học vẫn đảm bảo 35 tuần thực học như quy định của Bộ GD-ĐT. Tựu trường sớm gây mệt mỏi cho giáo viên và việc tổ chức hoạt động trong nhà trường.
Những năm trước đây, cuối tháng 8 giáo viên mới đi học bồi dưỡng, dự tập huấn chuyên môn, thì nay hoạt động này được “đôn” lên vào đầu tháng 8, để giữa tháng 8 các thầy cô trở lại trường nhận lớp mới, học sinh mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.