Vulcan – tên lửa đẩy với động cơ có thể thu hồi bằng máy bay trực thăng

Sản phẩm 24/04/2015 13:37

United Launch Alliance (ULA) – một liên minh được thành lập giữa Lockheed Martin và Boeing sẽ bước chân vào cuộc đua giữa các hệ thống phóng tàu vũ trụ tái sử dụng với Next Generation Launch System (NGLS) – còn được biết đến với tên gọi tên lửa đẩy Vulcan. Điều đặc biệt của tên lửa này là mô-đun giai đoạn 1 chứa động cơ đẩy chính có thể thải hồi và được “câu” lại ngay trên không bởi một chiếc trực thăng sau khi tái xâm nhập khí quyển Trái Đất.


3025829_Vulcan

Vulcan được giới thiệu lần đầu tiên tại hội nghị Space Symposium lần thứ 31 và ULA cho biết hệ thống này sẽ có thể vận chuyển các kiện hàng đến quỹ đạo thấp của Trái Đất hay không gian sâu với chi phí rẻ hơn.

Trái tim của Vulcan là hệ thống SMART (Sensible, Modular, Autonomous Return Technology). Không giống như tên lửa Falcon 9 của SpaceX vốn được thiết kế để hạ cánh trở lại bệ phóng, hệ thống SMART là một dạng động cơ lắp ghép có thể tái sử dụng các động cơ đẩy chính. SMART dùng 2 động cơ BE-4 dùng nhiên liệu methane và oxy lỏng, tạo ra lực đẩy 1,1 triệu pound (499 tấn). BE-4 được phát triển bởi Blue Origin theo hợp đồng thay thế dòng động cơ RD-180 do Nga sản xuất.

3025830_Vulcan

Tên lửa đẩy Vulcan

Trong các chuyến bay thực tế, Vulcan có thể cất cánh như một hệ thống tên lửa đẩy thông thường nhưng sau khi giải phóng hàng hóa trên quỹ đạo, mô-đun giai đoạn 1 chứa động cơ đẩy sẽ tách rời và tái xâm nhập khí quyển bằng một chiếc khiên chống nhiệt có thể bơm phồng. Sau khi bung dù, động cơ đẩy được “câu” lại và thu hồi bằng trực thăng Chinook. Bộ phận này sẽ được tái sử dụng trên một tên lửa Vulcan mới. ULA cho biết điều này sẽ giúp tiết kiệm đến 90% chi phí dành cho các hệ thống đẩy bởi động cơ tên lửa chiếm 25% trọng lượng hệ thống đẩy và 65% chi phí chế tạo hệ thống.

Vulcan được phát triển dựa trên các hệ thống phóng Atlas và Delta. Vulcan sẽ dùng mô-đun đẩy giai đoạn 2 là Centaur cùng với các bộ phận tải hàng cao 4 – 5 m và 4 tên lửa đẩy rắn khác gắn trên mô-đun giai đoạn 1. Trong phiên bản Step Two của Vulcan, Centaur sẽ được thay thế bởi một tên lửa đẩy khác mạnh hơn có tên Advanced Cryogenic Evolved Stage (ACES) giúp mang lại lực nâng tương đương tên lửa Delta IV Heavy. ULA cho biết ACES có thể đốt không giới hạn qua đó thời gian trên quỹ đạo của tên lửa có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần.

Tory Bruno – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành ULA cho biết: “Nhiều khả năng hơn trong không gian có nghĩa sẽ có nhiều khả năng hơn trên Trái Đất. Do NGLS sẽ là hệ thống phóng hiệu năng cao và tiết kiệm chi phí nhất trên thị trường, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia để khai thác không gian. Từ các sứ mạng khoa học, cải tiến y học, an ninh quốc phòng cho đến các cơ hội kinh tế mới dành cho doanh nghiệp, tên lửa Vulcan sẽ là kẻ thay đổi thời cuộc về các khía cạnh tạo ra những cơ hội bất tận trong lĩnh vực vũ trụ.”

Theo tinhte

Ý kiến của bạn

Bình luận