Sáng 15/12, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự có bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch Công đoàn Cục Đường bộ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các Sở GTVT, Ban ATGT, nhà thầu bảo trì thường xuyên, doanh nghiệp dự án, đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.
Ông Lê Phan Duy, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III cho biết, Khu QLĐB III thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đăk Nông. Khu QLĐB III trực tiếp quản lý 2.630 km/12 tuyến quốc lộ và cao tốc. Trong đó có các nhà đầu tư BOT/doanh nghiệp dự án trực tiếp quản lý, bảo trì và thu phí 732 km, thực hiện một số nhiệm vụ khác được giao như hướng dẫn, thẩm tra phê duyệt dự án bảo trì, quyết toán dự án hoàn thành... đối với các tuyến quốc lộ ủy thác của các Sở GTVT được Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền.
Trong năm 2023, Khu QLĐB III đã tích cực chủ động thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ. Về kế hoạch bảo trì, Khu QLĐB III đã lập, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì năm 2023 đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT, Cục Cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo giải ngân được nguồn vốn được giao trong năm 2023. Đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ; triển khai tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Năm 2023, trên địa bàn phụ trách quản lý không có TNGT nào xảy ra do nguyên nhân cầu đường. Các công trình khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, sửa chữa khẩn cấp cầu yếu, sửa chữa đột xuất được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả.
Trong năm 2023, Khu QLĐB III tích cực, chủ động phối hợp tốt với Ban ATGT, Sở GTVT, Phòng CSGT các địa phương thực hiện công tác đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ quản lý. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn được giao quản lý. Các Văn phòng QLĐB thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, hiệu quả đối với công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo ATGT trên khu vực quản lý được nâng lên rõ rệt. Các nhà đầu tư đang quản lý khai thác các dự án BOT, BT đã từng bước quan tâm hơn trong công tác duy tu bảo trì đường bộ và công tác đảm bảo ATGT. Các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đảm bảo, đời sống, việc làm, thu nhập được nâng cao.
Nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, ông Duy cho hay, từ tháng 10/2022 đến nay, do vướng mắc về tính pháp lý nên gặp khó khăn trong việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành, cho nên việc xử lý vi phạm về ATGT khi thi công trên đường bộ đang khai thác chưa được xử lý triệt để. Việc xử lý chỉ dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở, lập biên bản làm việc, thông báo với chủ đầu tư đề nghị chỉ đạo khắc phục.
Các vụ việc vi phạm hành chính về hành lang đường bộ khi chuyển hồ sơ cho các địa phương đề nghị xử phạt vẫn còn tồn tại, nhiều vụ chưa được xử lý theo quy định mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của UBND cấp tỉnh/thành phố và các Văn phòng QLĐB đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Qua đó cho thấy, công tác ngăn chặn vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cần phải có sự phối hợp nhiệt tình, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan mới có thể đạt được hiệu quả.
Ghi nhận những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của Khu QLĐB III, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao các kết quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Là địa bàn luôn hứng chịu thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng giao thông, tuy nhiên, Khu QLĐB III đã chủ động, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả cao, đảm bảo các quốc lộ được thông suốt, an toàn.
Trước yêu cầu những nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ quan trọng trong thời gian đến, bà Hiền đề nghị Khu QLĐB III chủ động lập các kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 đạt kết quả. Với vai trò quản lý nhà nước về giao thông đường bộ ở địa phương, Khu QLĐB III cần tiếp tục thể hiện vai trò cánh tay nối dài của Cục Đường bộ Việt Nam trong việc góp ý xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý đường bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chính công tác quản lý đường bộ hiện nay và trong thời gian tới.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất, các vấn đề khó khăn, vướng mắc về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, bà Hiền nhìn nhận, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiệu quả là trăn trở của lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được Thanh tra Bộ GTVT hết sức quan tâm. "Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành có những nội dung quy định hết sức phức tạp, vì vậy, trong thời gian tới, Phòng Thanh tra, pháp chế Cục Đường bộ Việt Nam cần có tổ chức hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị", bà Hiền yêu cầu.
Nhằm bảo đảm ATGT trên các quốc lộ, bà Hiền cho biết, thời gian qua, trong các kỳ họp Quốc hội, có nhiều ý kiến kiến nghị về công tác đảm bảo TTATGT, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ở địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, vì vậy, Khu QLĐB III cần tiếp tục tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT, kịp thời xử lý, đảm bảo giao thông, nhất là tại các địa bàn, điểm nóng về tình hình TTATGT; phân đoạn, rà soát (biển báo, sơn kẻ đường...) các tuyến đường nhằm kịp thời bổ sung, bảo đảm ATGT.
"Đối với các quốc lộ ủy thác cho địa phương, Khu QLĐB III cần tăng cường thể hiện vai trò quản lý nhà nước, phối hợp thường xuyên, liên tục với địa phương, lực lượng chức năng địa phương, nhằm kịp thời nắm bắt các vấn đề về ATGT, ngăn ngừa TNGT", bà Hiền nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại hội nghị
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.