Cơ hội vàng để bứt phá
Năm 2023, lĩnh vực GTVT đạt nhiều thành tựu quan trọng khi nhiều dự án được khởi công và khánh thành. Tại tỉnh Bình Thuận, với hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây lần lượt được thông xe đã nối liền gần 150 km đường trên địa bàn. Sự kiện này được ví như "cơ hội vàng" giúp địa phương đẩy mạnh khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, nhất là với ngành Du lịch sẽ thêm điều kiện thuận lợi để vươn lên xứng tầm.
Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100 km cùng với đoạn Dầu Giây - Phan Thiết có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hạ tầng giao thông liên vùng của Bình Thuận với khu vực Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch cho Bình Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Với việc rút ngắn khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết - Bình Thuận chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ đã thu hút đông đảo người dân và du khách từ các tỉnh phía Nam đến với Bình Thuận. Trong năm 2024, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào vận hành và kết nối đến Nha Trang liền mạch, tạo động lực lớn thúc đẩy du lịch Bình Thuận bứt phá.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 diễn ra khá tốt. Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển đã thu hút một lượng lớn du khách từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đến với Bình Thuận trong thời gian qua.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã đón hơn 4,4 triệu lượt khách, tăng 86,36% so với cùng kỳ năm trước và đạt 66,4% kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 133.900 lượt khách, tăng 5,42 lần và khách nội địa đạt 4,2 triệu lượt khách, tăng 82,65%. Theo đó, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,4% kế hoạch năm.
"Thuận lợi về giao thông và sức hút của du lịch biển, đảo không phải nơi nào cũng có được. Vì vậy, các cơ quan, ban, ngành của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần nắm bắt để tận dụng tốt cơ hội "vàng", chung tay xây dựng, giữ vững hình ảnh và thương hiệu cho điểm đến Bình Thuận", ông Khoa nhấn mạnh.
Mong chờ nối thông cao tốc đến Nha Trang
Hiện tại, ba tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (dài hơn 49 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và Dầu Giây - Phan Thiết (dài 98,7 km) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên du khách từ TP. Hồ Chí Minh chưa thể di chuyển đến Nha Trang bằng đường cao tốc mới mà phải đợi cao tốc Vĩnh Hảo - Cam Lâm hoàn thành.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt địa phương. UBND tỉnh Khánh Hòa được Bộ GTVT giao thực hiện Dự án thành phần 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1 (thuộc khu vực cảng Nam Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối thuộc địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và khớp nối điểm đầu dự án thành phần 2. Tổng chiều dài tuyến khoảng 31,5 km, giá trị tổng mức đầu tư là hơn 5.330 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Để đảm bảo hiệu quả của dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cấp phép mỏ vật liệu để nhà thầu tăng tốc thi công và hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được hoàn thành, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vân Phong - Nha Trang đang triển khai, cùng với đó là dự án cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối và phát huy hiệu quả của cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh việc chú trọng, tăng cường nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Khánh Hòa tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện... để thu hút du khách, tạo bước đột phá mới cho địa phương.
Theo Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, Nha Trang là điểm du lịch biển hấp dẫn khách ở các tỉnh, thành phía Nam. Khi cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo (đang xây dựng) đưa vào khai thác, sử dụng, du khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ đến với Khánh Hòa sẽ vô cùng thuận lợi.
Thống kê sơ bộ, trong kỳ nghỉ cao điểm hè vừa qua, lượng khách từ các tỉnh phía Nam đặt khách sạn, resort tại Nha Trang, Khánh Hòa tăng đáng kể. Một số resort tại khu vực Bãi Dài đã được lấp kín phòng trong giai đoạn tháng 6. Do đó, việc đưa các dự án cao tốc thành phần vào vận hành sẽ giúp du lịch Khánh Hòa có điều kiện thu hút khách hơn nữa từ các tỉnh phía Nam.
Anh Nguyễn Văn Tình (sinh sống và làm việc tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Theo xu thế, vào thời gian cao điểm mùa du lịch, du khách ưa thích di chuyển bằng xe cá nhân để chủ động cho chuyến hành trình. Với việc mạng lưới đường cao tốc đang được đầu tư bài bản, các địa phương sẽ kết nối liên thông, từ đó tạo ra giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho các địa phương trong khu vực".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.