Ngoài ra, Bộ GTVT được giao khoảng 20 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đây không chỉ là những con số đơn thuần mà còn là tinh thần, ý chí và quyết tâm của ngành GTVT trước nhiệm vụ vô cùng nặng nề nhưng cũng rất vinh quang.
Công trường không phút ngơi nghỉ, kỳ tích trong giải ngân
Theo đánh giá, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước. Kết thúc niên độ kế hoạch 2023 (hết tháng 1/2024), Bộ GTVT ước đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, 95.222 tỷ đồng vốn giải ngân năm 2023 cao gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021.
Nói về hành trình giải ngân số vốn lớn nhất từ trước đến nay, ông Thái cho biết, Bộ GTVT đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu các chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giải ngân. Bộ GTVT đã triển khai loạt giải pháp, vừa quyết liệt, vừa linh hoạt, đặc biệt lưu ý tiến độ giải ngân phải đồng nghĩa với sản lượng trên các công trường. Các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu đã hết sức nỗ lực, quyết liệt, huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính, bám sát diễn biến thực tế để điều chỉnh kế hoạch thi công phù hợp thực tiễn.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, hàng tuần, hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên có mặt trên công trường. Các cuộc họp trực tuyến kết nối với văn phòng điều hành tại hiện trường liên tục được tổ chức, nội dung đi thẳng vào từng khó khăn, vướng mắc trên thực tế công trường, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nếu là trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào thì tháo gỡ ngay; vướng ở đâu, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ trực tiếp làm việc với địa phương đó, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và cung ứng nguyên vật liệu. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn bám sát và thực hiện kịp thời các thủ tục phục vụ cho công tác thanh, quyết toán..., tạo ra nguồn lực tài chính ổn định cho nhà thầu.
Ông Dũng nhấn mạnh, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trên khắp các công trường là "không đánh đổi tiến độ lấy chất lượng", "không để xảy ra bất kỳ sự việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí", với tinh thần bám máy, bám công trường, phát huy truyền thống 8 thập kỷ vẻ vang "Đi trước mở đường", phát huy tinh thần yêu nước, yêu ngành, yêu nghề.
Trên dưới một lòng, nỗ lực vượt khó
"Chúng tôi vẫn thường ví mỗi người trên công trường đều là chiến sĩ, đều xác định rõ vai trò, sứ mệnh của mình đối với Ngành, với đất nước. Phải đoàn kết, đồng lòng vượt mọi vất vả, cố gắng hy sinh tình cảm cá nhân, nỗi xa cách gia đình trong những ngày lễ, tết để tranh thủ thời tiết thuận lợi, thời gian quý báu đẩy nhanh tiến độ thi công", ông Dũng cho biết.
Tại từng dự án, trên mỗi công trường, đời sống vật chất, tinh thần của những người lao động luôn được lãnh đạo Bộ GTVT hết sức quan tâm, chú ý. Nhiều khi những món quà tuy nhỏ, có khi chỉ là hộp sữa, miếng lương khô, thùng nước... nhưng đã làm ấm lòng người công nhân quen mưa nắng, từ đó tiếp thêm động lực, sức mạnh giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Tết vẫn là Tết công trường, ngày nghỉ cũng là ngày nghỉ công trường và nhà chính là công trường". Phát huy tinh thần đó, trong dịp Tết Nguyên đán, các chủ đầu tư, ban QLDA đã chủ động đăng ký với Bộ GTVT kế hoạch thi công xuyên Tết. Bộ GTVT cũng phát động phong trào thi đua xuân công trường trên tất cả các dự án nhằm cổ vũ, động viên tinh thần của cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, đồng thời lan tỏa tới cộng đồng xã hội rằng người thân của họ cũng đang thực hiện sứ mệnh cao cả, góp công góp sức đưa đất nước vươn lên tầm cao mới.
Nhớ lại những ngày đêm trên công trường, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) bồi hồi: "Đây thật sự như một cuộc chiến trong thời bình. Trực tiếp trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ những ngày nước rút cán đích cuối tháng 12 vừa qua, tôi được sống trong những thời khắc vô cùng cảm động. Những người công nhân ban ngày thì nắng cháy trên công trường khắc nghiệt, nửa đêm vẫn tích cực thi công. Họ phải tranh thủ ăn ổ bánh mì ngay trên công địa, ngủ chốc lát trong lúc chờ xe vật liệu đến... Bản thân chúng tôi 1, 2 giờ sáng trực tiếp đến động viên, khích lệ, chia sẻ từng miếng bánh với anh em công nhân".
Đối với công tác quản lý, điều hành dự án, ông Tiến bày tỏ: "Tôi cảm kích khi nhiều lần thấy giám đốc một ban QLDA (chủ đầu tư) thường xuyên trực tiếp trên công trường lúc nửa đêm, đi đến từng hạng mục dù là nhỏ nhất như lắp đặt tôn hộ lan để đôn đốc thi công. Có thể thấy, tư duy giờ đã khác, cách làm cũng rất khác xưa. Đây chính là yếu tố căn bản để chuyển biến năng lực quản lý, điều hành, tạo ra những kỳ tích chưa từng có".
Vất vả, khó nhọc vì danh dự, trách nhiệm củangành GTVT
Nhìn lại một năm tạo kỳ tích đối với công tác giải ngân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ: "Phải làm ngoài giờ. Không chỉ không có ngày nghỉ, ngày lễ, mà còn phải làm 24/24h. Những người làm giao thông đã rất vất vả, khó nhọc để có được kết quả này". Người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng đóng góp, cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của ngành GTVT.
Chia sẻ về những tuyến cao tốc được khánh thành trong năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: "Chúng tôi xác định việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành GTVT trước Đảng, Nhà nước và nhân dân".
Với tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", lan tỏa sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các ban QLDA đã tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công. Các ban QLDA đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công. Các đơn vị tư vấn luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ quy trình, chất lượng, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật.
Song hành với đó, các nhà thầu đã vượt qua những khó khăn chưa từng có, linh hoạt điều chỉnh tiến độ, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính..., tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm, thực hiện đúng với cam kết về tiến độ, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.