WIPO cam kết giúp VN xây dựng Chiến lược quốc gia sở hữu trí tuệ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 22/03/2017 14:50

Sáng 22/3, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” với 02 chủ đề: Hội thảo về IP-Hub và Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu.

 

IMG_6289
Toàn cảnh lễ khai mạc

Tham dự Lễ khai mạc có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Francis Gurry, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva; lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ KH&CN cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định: Những năm gần đây, vai trò của Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của WIPO ngày càng được nâng cao. Hàng năm, Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các Cơ quan điều hành và các Ủy ban chuyên môn của WIPO, theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động của Tổ chức, cũng như những diễn biến của các định chế quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Đặc biệt, trong năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Điều phối của WIPO, và được ghi nhận đã đóng góp giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng về hành chính, nhân sự của Tổ chức. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry là vinh dự đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO; tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

IMG_6297
Tổng giám đốc Francis Gurry cam kết WIPO sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong những dự án liên quan đến SHTT sắp tới

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Francis Gurry cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam nói chung và Bộ KH&CN nói riêng và cam kết WIPO sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý SHTT, nâng cấp công cụ tra cứu, cơ sở dữ liệu, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức. Thời gian tới, WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai một số dự án như: Xây dựng chương trình quốc gia về SHTT, IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ; Kiểm toán về nguồn lực và quản lý của cơ quan SHTT.

Cũng trong khuôn khổ ngày làm việc thứ nhất, Bộ KH&CN đã tổ chức song song 02 Hội thảo về Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ và Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu GII.

Dự án IP-Hub được khởi động thông qua việc nâng cao năng lực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ bằng mô hình “Trục và nan hoa” (Hub and spoke). Hiện đã có 28 viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT.

Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) chia sẻ ý nghĩa, phương pháp thu thập số liệu, tính toán các chỉ số ĐMST cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả ĐMST và cải thiện chỉ số ĐMST cho Việt Nam, góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020.

IMG_3366
Ông Francis Gurry trả lời phỏng vấn truyền thông Việt Nam

Cũng tại buổi lễ, các đại biểu, khách mời đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH&CN và WIPO về việc phát triển Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia cho Việt Nam.

Việc ký kết Bản ghi nhớ có ý nghĩa đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai bên, qua đó thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức trong việc triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia.

Quy trình để xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT dự kiến gồm 8 bước: Tổ chức Hội thảo tư vấn; Thành lập nhóm soạn thảo; Tiến hành rà soát văn bản; Thu thập thông tin; Tổ chức các cuộc họp tham vấn; Xây dựng Bản dự thảo Chiến lược; Lấy ý kiến về bản dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược; Triển khai Chiến lược.

Sau khi Bản ghi nhớ được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng của SHTT tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về SHTT, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ.

Dự kiến vào ngày mai (23/03), ông Francis Gurry sẽ làm việc tại Cục SHTT và có buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Ngoại thương về chủ đề của Ngày SHTT thế giới 2017 “Sáng tạo - Cải thiện cuộc sống”.

Nhận lời mời của Bộ KH&CN, Tổng giám đốc Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) Francis Gurry sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23/03/2017. Chiều 21/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp đón ông Francis Gurry nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

WIPO là diễn đàn toàn cầu về chính sách SHTT, dịch vụ, thông tin và hợp tác. Là một cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc, WIPO hỗ trợ 189 quốc gia thành viên của mình xây dựng một khung pháp lý quốc tế cân bằng về luật SHTT; cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. 

Ý kiến của bạn

Bình luận