Ảnh minh họa |
Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam được dự báo vẫn ổn định trong trung hạn, cho dù dự kiến sẽ giảm nhẹ trong các năm 2019 – 2021, theo nhận định của World Bank.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế quý đầu năm 2019 ở Việt Nam chững lại, tăng trưởng toàn cầu giảm nhẹ và căng thẳng thương mại leo thang, dự báo sơ bộ của World Bank ước lượng tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam đạt 6,6% năm 2019 và 6,5% cho các năm 2020, 2021.
Theo tổ chức này, tuy đà tăng trưởng của Việt Nam có giảm tốc sau năm 2018 nhưng tăng trưởng liên tục dự kiến vẫn tiếp tục trợ lực cho giảm đói nghèo. Với bối cảnh lạm phát cơ bản được dự báo ở mức thấp, các điều chỉnh giá do nhà nước quản lý cũng như tác động của dịch tả lợn châu Phi tới giá lương thực dự kiến sẽ không làm tăng CPI vượt mức 4% đã đề ra.
World Bank nhận định Chính phủ sẽ tiếp tục quan điểm chính sách tài khoá thận trọng, trong đó thu dự báo sẽ ổn định, còn chi tiêu, chủ yếu là chi đầu tư sẽ được thắt chặt có lựa chọn. Tăng trưởng xuất khẩu theo dự báo vẫn thấp hơn so với tiềm năng của quốc gia do môi trường bên ngoài yếu đi. Mặc dù vậy tài khoản vãng lai được cho rằng vẫn thặng dư trong năm 2019, tuy nhiên ở mức nhỏ hơn so với năm trước đó.
Tuy nhiên triển vọng trên vẫn phụ thuộc vào rủi ro trong và ngoài nước. Bên trong, những thách thức chính của nền kinh tế dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh, gây trở ngại cho sự phát triển của khối kinh tế tư nhân.
Tăng trưởng có khả năng được duy trì với nhịp độ tốt trong các năm tới nhưng Việt Nam đang đứng trước nhu cầu phải xử lý được những trở ngại có tính cơ cấu. Tác động do thời tiết, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp.
Còn ở phía bên ngoài, tác động của căng thẳng thương mại leo thang có thể gây gián đoạn về thương mại cao hơn mức dự báo ban đầu, gây suy giảm đà xuất khẩu của Việt Nam, dẫn đến tài khoản vãng lai xấu đi trong trung hạn.
Bất định về viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu có thể dẫn đến sức cầu bên ngoài của Việt Nam yếu đi, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn so với dự báo, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ở mức cao về thương mại và đầu tư với thế giới.
Do đó, World Bank cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp các rủi ro liên tiếp gia tăng dẫn đến nguy cơ suy giảm các hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế khôi phục mạnh mẽ trong 2 năm qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn như kiềm chế tăng trưởng tín dụng và củng cố tài khoá nhằm tạo dựng thêm các khoản đệm chính sách cần thiết.
Tuy nhiên với dấu hiệu chững lại thậm chí giảm sút các hoạt động kinh tế, Việt Nam cũng nên cân nhắc về các chính sách vĩ mô nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kể cả quan điểm chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, World Bank cũng khuyến cáo Việt Nam cần cải cách cơ cấu bao gồm đổi mới khuôn khổ điều hành, cải cách DNNN và hệ thống ngân hàng nhằm củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Mặt khác, để tăng cường xuất khẩu, nền kinh tế 95 triệu dân cũng cần phải tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định song phương, đa phương.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.