Xã hội hóa phạt người xả rác

Xã hội 10/12/2018 14:54

Hiện nay, tình trạng xả rác ra nơi công cộng, xuống cống, kênh rạch, đường phố ở TPHCM diễn ra rất phổ biến. Rác đầy rẫy khắp nơi không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường mà còn làm gia tăng tình trạng ngập úng. Thế nhưng, có rất ít người vi phạm bị xử phạt.


 

sggpxarac1_esdl
Người đàn ông đi ô tô vứt rác xuống đường vừa bị cơ quan chức năng thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xử phạt hành chính 3 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip MXH

Trên thực tế, để thay đổi thói quen về xả rác, bên cạnh việc tuyên truyền thì đòi hỏi biện pháp xử phạt đối với người vi phạm phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Song, TPHCM đang gặp vướng mắc do không đủ lực lượng xử phạt, nhưng không được tăng biên chế để thực hiện công việc này.

Cũng vì vậy, vai trò của các cơ quan chức năng, bao gồm chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý vi phạm chưa thể hiện rõ nét. Hiệu quả là công tác quản lý nhà nước về vệ sinh nơi công cộng vẫn chưa được cải thiện, dù các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều “nỗ lực”. Do đó, thành phố cần sáng tạo, suy nghĩ giải pháp thực hiện công tác xử phạt một cách hiệu quả hơn.

Về nội dung này, đại biểu HĐND TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang dẫn chứng, một số nước như Thái Lan, Pháp… đã xã hội hóa việc xử phạt hành vi xả rác ra công cộng rất hiệu quả. Chẳng hạn, trước đây ở đại lộ đẹp nhất thế giới Champs Elysees (Paris, Pháp) đầy các loại rác nhưng chính quyền không cách nào phạt hết được. Thế là họ giao quyền cho công ty tư nhân chụp hình, xử phạt những người vi phạm. Sau một thời gian, trật tự mỹ quan đô thị ở đại lộ này được thiết lập.

Vì vậy, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, thành phố cần tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội) để thực hiện/kiến nghị thực hiện xã hội hóa xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính như xả rác.

Đơn vị được “thuê” xử phạt có thể là lực lượng thanh niên xung phong hoặc công ty tư nhân được chọn thông qua đấu thầu. Khi đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm về biên chế, trả lương cho nhân viên và được giao (dựa theo quy định chung) xử phạt những ai xả rác không đúng nơi quy định. Họ được phép chụp hình (lấy chứng cứ), lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt. Số tiền xử phạt sẽ nộp vào ngân sách và thành phố trích từ tiền phạt để trả thù lao cho đơn vị này.

Thông qua việc phạt đúng, phạt được nhiều trường hợp vi phạm không chỉ bổ sung vào nguồn thu ngân sách thành phố mà còn giúp giảm thiểu tình trạng xả rác ra công cộng, dần dần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị.

Sẽ có lo ngại về việc phạt sai hoặc tiêu cực trong xử phạt nên cần có những ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm đối với “đơn vị được thuê xử phạt”. Mặt khác, đơn vị này không phải là cơ quan công quyền nên giả sử có xảy ra “lem nhem” khi xử phạt, bị người dân phản ứng, khiếu nại thì việc xử lý đơn giản hơn, không phải vướng víu “theo quy trình” như đối với các lực lượng thực thi công vụ hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận