Xăng tăng giá 13 lần, giảm 9 lần trong năm 2016

Doanh nghiệp 02/01/2017 14:14

Kết thúc năm 2016, giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng gần 6.500 đồng/lít, giảm tổng cộng khoảng 5.000 đồng/lít. Cùng với 2 lần được giữ nguyên, giá xăng năm qua không nhiều biến động so với năm 2015.

 

Xăng tăng giá 13 lần, giảm 9 lần trong năm 2016
Giá xăng dầu năm qua được điều hành tương đối ổn định. Ảnh minh họa: Thế Duyệt - TTXVN.

Hiện nay, giá xăng trong nước vẫn được điều hành theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan điều hành công bố giá cơ sở theo chu kỳ tính giá bình quân 15 ngày. Nếu bình quân giá thế giới 15 ngày tăng thì giá cơ sở sẽ được công bố tăng, tương tự như vậy đối với trường hợp giảm.

Năm qua, diễn biến giá dầu thế giới có xu hướng đi lên, dù không mạnh, chấm dứt những lần tụt sâu, "phá đáy" như đã xảy ra trong năm 2015. Cũng theo đó, giá xăng dầu trong nước cũng có xu hướng đi lên nhẹ.

Với công cụ đắc lực của mình là Quỹ Bình ổn giá, cơ quan điều hành giá xăng dầu đã quyết định trích quỹ, cũng như xả quỹ ở từng thời điểm để giữ bình ổn giá cả xăng dầu trong nước.

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời đăng tải công văn điều hành trong đó có chi tiết về giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở công bố, mức trích, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (nếu có) từng thời điểm cụ thể để giúp người dân hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ.

Bởi vậy, không như trước đây, giá xăng dầu điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, người dân không biết khi nào giá xăng tăng giảm. Với việc điều hành theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, người dân cũng có thể giảm sát việc điều hành giá của cơ quan quản lý, cứ 15 ngày sẽ có một lần điều chỉnh và dự đoán được xu hướng tăng giảm.

Đại diện Bộ Tài chính từng khẳng định với báo chí: Việc điều hành giá là công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới. Qua đó, người tiêu dùng giám sát được quyết định giá của doanh nghiệp cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến băn khoăn với cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để đưa ra giá cơ sở của cơ quan điều hành như hiện nay, do cách tính này chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014, chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng: Nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi như thời gian trước thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Còn nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Mỗi thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp dụng các mức thuế suất khác nhau. Không phải tất cả xăng dầu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất. Có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không muốn bị lỗ nên chỉ nhập xăng dầu từ nguồn được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất. Khi đó, nguồn cung một số mặt hàng không đáp ứng đủ sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong giai đoạn hiện nay, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo dự tính, lần điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm mới 2017 sẽ diễn vào ngày 4/1 tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận