Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 19/5, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ GTVT, tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có đại diện các Bộ Xây Dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước VN, Văn phòng Chính phủ… Về phía Bộ GTVT có các đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật, Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cùng đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ.
Hạ tầng giao thông mang diện mạo mới
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường báo cáo tại hội nghị. |
Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong những năm qua, với điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) hết sức hạn hẹp, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11, nhiều dự án quan trọng, cấp bách đều không thể cân đối được nguồn vốn ngân sách để đầu tư, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT. Giai đoạn 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển KCHTGT được 327.110 tỷ đồng trên tổng số 379.000 tỷ đồng được huy động từ trước tới nay. Trong đó, riêng lĩnh vực đường bộ huy động được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Sử dụng có hiệu quả là nguồn vốn ODA, thông qua việc quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án ODA đã ký kết, tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ. Chủ động đẩy mạnh xúc tiến, thu hút nguồn vốn ODA cho các dự án KCHTGT. Trong giai đoạn 2011-2015 đã thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã ký kết được đến nay là 18,46 tỷ USD cho 133 dự án).
QL1 A hoàn thành thay sớm hơn kế hoạch 1 năm góp phần thúc đẩy KTXH phát triển. |
Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động, Bộ GTVT đã tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trên cơ sở các quy định của nhà nước và hệ thống các quy định của ngành, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong sử dụng các nguồn lực này. Các quy định của ngành về kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình giao thông; về tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu tham gia các dự án KCHTGT; quy chế phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp...
Trong 5 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; bộ mặt KCHTGT của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, QL1A từ Thanh Hóa - Cần Thơ…
Hệ thống GTNT có bước phát triển mạnh mẽ, tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống KCHTGT trung ương và địa phương. Việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng KCHTGT của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (2011 - 2015).
Áp lực nhu cầu về vốn để phát triển KCHT
Nhu cầu về vốn cho ngành GTVT còn rất nhiều |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường để đảm bảo hoạt động thông suốt của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có và đầu tư phát triển đáp ứng các mục tiêu đã được Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng đề ra, theo Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam và các quy hoạch, kế hoạch phát triển chuyên ngành GTVT đã được duyệt, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu nêu trên, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 (phần Bộ GTVT trực tiếp quản lý) vào khoảng 955.448 tỷ đồng, trong đó: 347.917 tỷ đồng dự kiến huy động ngoài NSNN và 607.531 tỷ đồng cần bố trí từ nguồn vốn có nguồn gốc NSNN ( 221.197 tỷ đồng dự kiến huy động vốn ODA: 131.902 tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ, 89.295 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA trong giai đoạn; 386.334 tỷ đồng đề nghị bố trí từ vốn NSNN và TPCP).
Trong khi đó, theo thông báo số dự kiến nguồn vốn đầu tư từ NSNN của Bộ GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020 (văn bản số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ cân đối được khoảng 116.952 tỷ đồng (không bao gồm 10% dự phòng); bao gồm: 44.835 tỷ đồng vốn trong nước và 72.117 tỷ đồng vốn nước ngoài. Mức vốn này chỉ đáp ứng khoảng 11,6% nhu cầu vốn trong nước (44.835/386.334 tỷ đồng) và 32,6% vốn nước ngoài (72.117/221.197 tỷ đồng).
Với số vốn NSNN dự kiến bố trí cho giai đoạn 2016 - 2020 như nêu trên, mới chỉ cân đối được cho các nhiệm vụ chi: Trả nợ đọng XDCB các dự án vốn NSNN; Hoàn trả khoảng 50% các khoản vốn ứng trước kế hoạch của các dự án NSNN và các dự án ODA; Hoàn thành các dự án chuyển tiếp sử dụng vốn NSNN và khởi công mới được rất ít các dự án cấp bách (6 dự án đường bộ: QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, QL37 bao gồm cầu Sông Hóa, QL279B, QL15 tiểu dự án 3, QL19 từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1, Hỗ trợ vốn dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương).
Do nhu cầu vốn đầu tư phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 để đáp ứng yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước là rất lớn, không cân đối được theo số dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo, Bộ GTVT kiến nghị được tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư các công trình trọng yếu theo định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng. Đặc biệt, đối với mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc mà Nghị quyết đã đề ra, đề nghị cho phép Bộ GTVT lập Đề án huy động nguồn lực xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ triển khai. Đồng thời ưu tiên bố trí khoảng 150.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành TPCP giai đoạn 2017 - 2020 cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển quan trọng của Bộ GTVT: đáp ứng đủ vốn đối ứng các dự án ODA, các dự án vay vốn nước ngoài (khoảng 35.000 tỷ đồng); tham gia các dự án PPP phát triển hệ thống đường bộ cao tốc (tối thiểu khoảng 30.000 tỷ đồng); khởi công mới một số dự án quan trọng cấp bách (khoảng 90.000 tỷ đồng).
Trước mắt, trong năm 2016 đề nghị ưu tiên bổ sung khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA và ứng trước kế hoạch năm 2017 khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trong nước quan trọng, cấp bách đang được triển khai.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban Cán sự, tập thể lãnh đạo Bộ và CBCNV-LĐ toàn ngành GTVT đã đạt được những kết quả vô cùng quan trọng được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên Ngành GTVT cần nhìn nhận những tồn tại cần khắc phục và hoàn thiện như công tác xây dựng chính sách pháp luật đã tích cực xong còn thiếu nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư của xã hội; Công tác quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực được quan tâm nhưng bài toán cân đối quy hoạch phát triển cân đối nguồn lực chưa tốt, chưa phù hợp; Sự kết nối đồng bộ để khai thác hiệu quả hạ tầng chưa mạch lạc giữa các phương thức vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông chưa tốt; Cơ cấu các phương thức vận tải chưa hợp lý, vận tải đường bộ vẫn chiếm 75% thị phần trong khi tiềm năng của đường sắt, đường thủy, vận tải ven biển, hàng không vẫn chưa khai thác hết. Phó Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu nâng tiêu chuẩn cấp đường để phù hợp với kết nối vận tải vùng và khu vực, vừa nâng cao giá trị cạnh tranh của vận tải cũng như khắc phục tình trạng chở quá tải trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới ngành GTVT cần thực thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn... phải đi vào cuộc sống, làm thế nào đơn giản hoá các thủ tục để các doanh nghiệp, mọi người dân được tham gia hoạt động một cách bình đẳng. Đặc biệt phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu vận tải ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận, công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện. Kéo giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trong giai đoạn 2016 -2020 phải kéo giảm TNGT từ 5-10%; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.