Hiện thực hóa về một Việt Nam đổi mới sáng tạo
Mới đây, Bộ KH&CN đã tổ chức khởi động Dự án Phát hành “Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022” (gọi tắt là Báo cáo) với chủ đề "vùng đất sáng tạo", báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 thể hiện khát vọng và tầm nhìn về một Việt Nam đổi mới sáng tạo được đồng kiến tạo bởi các "cư dân" chính là các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện trường, các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Đây là năm thứ hai Báo cáo được tiến hành để tiếp nối thành công của Báo cáo năm 2021 nhằm mang đến bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam. Báo cáo được phát hành dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Cục PTTTDN) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP (ĐMST).
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 được khởi động, đánh dấu sự trở lại của nguồn dữ liệu toàn diện, đa chiều về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở từng được phát hành lần đầu tiên trong năm 2021 với nhiều thành công: hơn 800 startups ghi danh, hơn 150 cơ quan báo chí trong nước & quốc tế đưa tin, hơn 2.000 lượt tải và hơn 25.000 người tiếp cận tại 20 quốc gia.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP cho rằng: "Báo cáo là bức tranh toàn cảnh, kết nối và thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp; giúp khơi thông đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước; và giúp Chính phủ và chính quyền địa phương hoạch định các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST".
Mặt khác, Báo cáo còn là nguồn thông tin giúp thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp; giúp khơi thông đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; giúp Chính phủ và chính quyền địa phương hoạch định các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 có nhiều điểm mới như: Cung cấp thông tin chuyên sâu và đa chiều về thực trạng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo các lĩnh vực và nhóm ngành kinh tế; Phân tích về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 5 lĩnh vực trọng điểm: Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing), Công nghệ tài chính & Công nghệ bảo hiểm (Fintech & Insurtech), Công nghệ Nông nghiệp & thực phẩm (Agtech & Foodtech), Công nghệ Tiếp thị và Bán hàng (Martech & Salestech), Công nghệ Blockchain/Tokenomics/Metaverse; Lần đầu tiên khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng của Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Mở theo tỉnh thành; Công bố những đề bài, thách thức của doanh nghiệp và tập đoàn lớn để mời gọi sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp và hệ sinh thái.
Thông tin của báo cáo được nghiên cứu, thu thập và tổng hợp từ các nguồn nghiên cứu uy tín của Cục PTTTDN và Trung tâm NSSC, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN), kết hợp với số liệu thống kê. Đặc biệt, nội dung báo cáo năm nay được hỗ trợ bởi hơn 60 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế trong và ngoài Việt Nam, trong đó bao gồm hơn 20 Trưởng Làng và Đồng Trưởng Làng đến từ TECHFEST Vietnam 2022.
Hệ sinh thái ĐMST có những bước phục hồi ấn tượng
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục PTTTDN cho biết, Báo cáo năm nay tiếp tục mở rộng về phạm vi và đối tượng được tiếp cận để có cái nhìn đa chiều và khai thác đúng thực trạng hệ sinh thái. Đồng thời mang được những dữ liệu đầu tư và lời khuyên bổ ích từ chuyên gia cố vấn đến các địa phương, tiến tới xây dựng chỉ số Đổi mới sáng tạo của địa phương để từng nơi có chiến lược phát triển phù hợp.
"Không chỉ trong nước, Báo cáo cần hướng ra quốc tế thông qua các mạng lưới chuyên gia người Việt ở nước ngoài để giới thiệu bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam và tích cực thu hút nguồn lực quốc tế. Năm nay có thêm sự tham gia đông đảo và sâu sắc hơn từ cộng đồng, bổ sung đối tượng tham gia xây dựng, cung cấp nhiều đánh giá, bình luận khách quan về cơ chế, thể chế, chính sách hay về cơ hội, thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST", ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.
Cũng tại tại sự kiện, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ đầu tư DO Ventures chia sẻ: "Đổi mới sáng tạo là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế số, đặc biệt nền kinh tế số hiện nay đã chiếm khoảng 8% GDP quốc gia và theo kỳ vọng của Chính phủ, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP quốc gia"...
Thực tiễn đã minh chứng, trong sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì nguồn vốn là một trong những yếu tố rất quan trọng và cấp thiết. Trước năm 2018, hầu như mỗi năm chỉ có khoảng 50-100 triệu USD tổng số tiền đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Năm 2018 được xem là năm có bước tăng vượt bậc khi có đến 450 triệu USD đổ vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Năm 2019 có sự tăng trưởng lên đến hơn 870 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2020, hệ sinh thái có bước chững lại vì ảnh hưởng của COVID-19 với tổng số tiền đầu tư chỉ 421 triệu USD.
"Thời điểm đó chúng tôi rất lo lắng vì chúng tôi là các quỹ đầu tư nội địa, khi nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài gần như chậm lại, sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp", bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết thêm.
Song với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà sáng lập, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng. Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ: “Tôi tin rằng các doanh nghiệp ĐMST là động lực của nền kinh tế số. Có thể thấy, năm 2021 thu hút được tổng vốn cam kết đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD - một con số rất ấn tượng. Năm nay, với sự nỗ lực không ngừng, đặc biệt từ các nhà sáng lập, các đơn vị hỗ trợ hệ sinh thái như BambuUP, các chuyên gia cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, con số đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa”.
Theo ông Phùng Văn Đông, Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh hiện nay khi COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu và trong mọi lĩnh vực, nhiều hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường có thể bị lạc hậu chỉ trong vài tháng. Chính vì thế đổi mới sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy khả năng thích ứng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bất kỳ ngành nghề, hoạt động kinh doanh sản xuất nào luôn tồn tại những đối thủ cạnh tranh cùng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau. Vì vậy, đổi mới sáng tạo còn giúp cho doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt. Đồng thời đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được thành công trong chuyển đổi số.
"Nhiều đối tác, chuyên gia đánh giá nền kinh tế của Việt Nam đang cực kỳ năng động trong khu vực và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Con người Việt Nam rất sáng tạo, nhưng điều quan trọng là chúng ta có thực hành văn hóa đổi mới sáng tạo đó không", ông Phùng Văn Đông nêu quan điểm.
Trong khuôn khổ lễ khởi động, BambuUP đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác cùng với hàng loạt các đối tác chiến lược: BK Holdings, Sunwah Innovations, Startup Vietnam Foundation, AIT - Viện Công Nghệ Châu Á AIT tại Việt Nam, SongHan Incubator, Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, Quỹ đầu tư WeAngels và Quỹ đầu tư Quest Ventures (Singapore). Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực của BambuUP và các đơn vị đối tác chiến lược trong việc kết nối, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo mở rộng khắp, đồng thời mở rộng thêm nguồn lực và cơ hội để khởi nghiệp Việt vươn xa, kiến tạo một kỷ nguyên bứt phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở của nước nhà.
Báo cáo dự kiến phát hành chính thức vào cuối tháng 11/2022 tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam năm 2022 (Bình Dương) dưới hai định dạng: Bản in và bản mềm. Báo cáo cũng sẽ được gửi tặng đến các doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của BambuUP
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.