Xây dựng luật để khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình

Chính trị 24/05/2015 11:30

Chiều 23/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, tại Hội trường, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.


Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc Tờ trình Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đọc Tờ trình Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Mục tiêu của Dự luật nhằm bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật, đồng thời khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Dự luật có những quy định đổi mới về mô hình, cơ cấu tổ chức, chế độ tạm giữ, tạm giam, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Theo Tờ trình, cơ quan soạn thảo đưa ra một số vấn đề mới cần xin ý kiến của Quốc hội.

Cụ thể, về vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam có cần quy định quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam hay không. Hoặc trong khi bị tạm giữ, tạm giam, ngoài việc hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử…. thì các quyền khác của đương sự được bảo đảm như thế nào (từ quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác).

Một số vấn đề lớn khác trong Dự luật cũng được đặt ra như hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; về quản lý, chế độ đối với người bị kết án tử hình bị tạm giam, kiểm sát chế độ tạm giữ, tạm giam và đặc biệt là điều kiện bảo đảm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã xem xét báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thú y sau khi thảo luận tại kỳ họp trước.

Các điều chỉnh đáng chú ý là phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y; chế độ nhân viên thú y cấp xã; thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn; phòng, chống dịch bệnh cho động vật; cơ sở giết mổ động vật và quản lý thuốc thú y.

Trước đó, trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Theo VGP

Ý kiến của bạn

Bình luận