Xây dựng thương hiệu nhà xuất bản bắt nguồn từ đội ngũ biên tập viên

Tác giả: Bài, ảnh: Thu Hà

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 21/12/2020 16:49

Với mong muốn tìm ra hướng đi, giữ vững và phát triển thương hiệu Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) trở thành một thương hiệu mạnh, trong những năm qua Nhà xuất bản đã tập trung xây dựng đội ngũ biên tập viên, mạng lưới cộng tác viên và các chuyên gia tư vấn.

HÌnh ảnh sách

Những cuốn sách do nhà Xuất bản khoa học và kỹ thuật đã xuất bản.

Mỗi năm Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản hàng trăm cuốn sách, mỗi cuốn làm kỹ thời gian từ 3 đến 5 tháng, trải qua 3 lần biên tập đến đọc duyệt. Lần một đọc để đánh giá sơ bộ bản thảo, sau đó mới triển khai biên tập. Bản thảo sau khi thiết kế dàn trang xong, biên tập viên có trách nhiệm đọc kỹ, đưa vào chế bản. Sau đó biên tập đọc lại bản bông và soát morat. Sách in xong, biên tập viên lần nữa phải rà soát toàn bộ xem có cần gì đính chính trước khi lưu chiểu và cấp quyết định phát hành. Tác giả là những nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của cuốn sách, biên tập viên cẩn trọng, nhà xuất bản có lương tâm, cuốn sách ra đời đều được bạn đọc trân trọng, giới chuyên môn đánh giá cao.

Một cuốn sách ra đời là thành quả lao động của một nhóm các chuyên gia ở những lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau kết hợp với nghiệp vụ xuất bản. Trong đó, tác giả được coi như linh hồn của cuốn sách, đội ngũ cộng tác viên là cầu nối và đội ngũ những người làm công tác xuất bản là những “bà đỡ “cho cuốn sách ra đời truyền tải được tinh thần của tác giả dưới hình hài của một bản thảo trơn tru, trôi chảy.

Nói về vai trò “bà đỡ” cho tác phẩm, TS. Quách Thu Nguyệt khi giảng dạy sinh viên khoa xuất bản thường dẫn dắt bằng câu chuyện giữa tác giả Stephen Hawking và biên tập viên Peter Guzzardi của nhà xuất bản Bantam Books. Bản thảo “Lược sử thời gian” (Bản dịch đầu tiên của Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật và sau này Nhà xuất bản Trẻ dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam), khi được Hawking mang đến nhà xuất bản với tựa sách ban đầu là “ From the big bang to black holes : a shorthistory of time “. Sau này khi sách in xong, tựa sách chẳng những được Guzzardi đổi từ Short ( Short history of time ) thành Brief ( Brief history of time) mà còn có những góp ý, đề nghị tác giả chỉnh sửa bản thảo. Và đây là ý kiến của tác giả khi nhận xét về biên tập viên cuốn sách của mình : “Peter Guzzardi đã gửi cho tôi rất nhiều trang nhận xét và yêu cầu về những điểm ông cảm thấy tôi giải thích chưa thật sự thỏa đáng lắm. Tôi cũng phải thú nhận rằng tôi đã cảm thấy bực mình khi nhận được bản liệt kê dài gồm những điều cần phải sửa đổi, nhưng ông ấy đã hoàn toàn có lý. Tôi tin chắc rằng cuốn sách sở dĩ hay hơn chính là do ông bắt tôi phải làm việc cật lực “ .

Còn gì hạnh phúc hơn khi tác giả thừa nhận sự “mát tay” của các “bà đỡ” giỏi nghề đã làm cho tác phẩm của họ hay hơn, giá trị hơn. Và “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking trở thành cuốn sách bán chạy với hàng triệu bản, được dịch ra hàng chục ngôn ngữ các nước, hẳn có dấu ấn tay nghề biên tập của Peter Gruzzardi.

Các “bà đỡ”, những biên tập viên đầu đàn của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Ông Đặng Văn Sử, Trịnh Quang Trung, Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Lê Thanh Định, Nguyễn Diệu Thúy và biên tập viên trẻ Nguyễn Phương Liên, Vũ Minh Huyền, Nguyễn Quỳnh Anh, Lê Thị Hồng Thủy..khi trả lời về sự thành công của cuốn sách đều có nhận xét chung, nhấn mạnh vai trò của đội ngũ biên tập viên có sự giúp đỡ của các cộng tác viên đã lựa chọn đề tài, nội dung có chất lượng cho Nhà xuất bản.

Họ đều chủ động trong công tác tìm kiếm đề tài thông qua đội ngũ cộng tác viên của mình, tìm kiếm cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, các hội thảo, tọa đàm để lựa chọn bản thảo. Thông qua Xunhasaba, hệ thống thư viện để cập nhật thông tin, lựa chọn ra những cuốn sách hay sau khi có sự đánh giá của giới chuyên gia. Từng biên tập viên đều có ý thức tổ chức đội ngũ cộng tác viên trên lĩnh vực ngành nghề mình được phân công, đảm nhiệm.

Ngay từ khi bước chân vào Nhà xuất bản họ đã tập làm quen với công tác xây dựng kế hoạch đề tài 5 năm của biên tập viên dựa trên kế hoạch ngành, của Bộ về phát triển khoa học kỹ thuật, theo các chuyên ngành như Sinh học, năng lượng, cơ khí, xây dựng,vv…. Công việc ấy đã giúp cho biên tập viên tuy không chuyên sâu về từng lĩnh vực, nhưng đều có cái khái quát về ngành nghề của mình. Họ đều có tinh thần học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức, có tư duy khoa học để phát hiện được những bất thường, những cấu trúc câu bất hợp lý, thiếu tự nhiên và xử lý chúng. Chung niềm đam mê: yêu viết lách và tâm huyết với nghề nghiệp, nhờ đó, họ không bỡ ngỡ và chủ động khi bắt tay xử lý một bản thảo không thuộc chuyên ngành lĩnh vực được đào tạo.

“Vạch lá tìm sâu” là sự tổng hợp giữa kiến thức và kỹ năng để phát hiện lỗi của bản thảo mà không phải ai cũng tìm ra được, cùng tác giả xử lý nó. Dựa vào nguồn tài liệu tham khảo liên quan tới bản thảo sách, ý kiến các chuyên gia để tìm ra lỗi của bản thảo. Nhờ đó họ sẽ thuyết phục được tác giả, kể cả những tác giả khó tính nhất.

Biên tập viên là những người chăm chỉ, kỹ lưỡng, cẩn thận trên từng câu chữ, nội dung, họ sử dụng tiếng Việt một cách thuần khiết. Trong quá trình tích lũy kiến thức, họ luôn tự đòi hỏi sự nghiêm túc trong công việc, ý thức cao trong việc gia tăng giá trị cuốn sách, giữ gìn thương hiệu cá nhân và Nhà xuất bản.

Bên cạnh đó là vai trò của mạng lưới cộng tác viên, chuyên gia tư vấn. Việc quyết định lựa chọn đề tài sách phải lấy ý kiến từ "các cộng tác viên là chuyên gia", những người đã và đang trực tiếp "vật lộn" với những công việc chuyên môn cuốn sách hàng ngày, và họ chính là những người thấy rõ nhất thị trường cần cái gì trong một cuốn sách.

Đặc biệt, thương hiệu của sách đến từ Đội ngũ tác giả đầu ngành và dịch giả nổi tiếng. Đây là nhân tố quyết định đến chất lượng sách. Điều này được lý giải là do các ngành khoa học kỹ thuật thường có tính chuyên sâu, nên thường chỉ có một số chuyên gia đầu ngành, hoặc tập thể các Viện chuyên ngành… mới có thể viết sách. Bạn đọc khi lựa chọn sách thường “tiết kiệm” thời gian bằng cách lựa chọn tác giả, dịch giả như một cách làm đơn giản gián tiếp mà vẫn đảm bảo cuốn sách thỏa mãn các yêu cầu về nội dung và chất lượng.

Ngoài ra, với những bộ sách có giá trị khó phát hành như Bộ “Sách đỏ”, “Động vật chí”,“Thực vật chí”, “Dược thư Quốc gia Việt Nam”… thì Giám đốc, trưởng ban biên tập và biên tập viên chuyên ngành của Nhà xuất bản phải tổ chức họp rất nhiều lần với Lãnh đạo các Viện và nhóm tác giả của Bộ sách để bàn kỹ về kế hoạch triển khai một cách chi tiết cụ thể đến từng đối tượng khách hàng.

Hiện nay 100% biên tập viên có trình độ đại học và sau đại học. Đây là thế mạnh của đội ngũ biên tập viên hiện nay. Họ đào tạo bài bản hơn, được tiếp cận với những kiến thức mới, có khả năng làm chủ thiết bị công nghệ tiên tiến, thích nghi với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa. Không chỉ dừng lại ở chuyên môn ngành đào tạo ở bậc đại học, nhiều biên tập viên còn học thêm văn bằng hai ở một số lĩnh vực chuyên môn khác hoặc tiếp tục học cao hơn với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…

Trong thời gian, hy vọng và tin tưởng vào sự phát triển của Nhà xuất bản trong tương lai sẽ có đội ngũ biên tập viên tinh thông nghề nghiệp, xuất bản được những bộ sách, cuốn sách để đời và phát triển thương hiệu Nhà xuất bản.

Ý kiến của bạn

Bình luận