Thừa Thiên Huế cần tận dụng "thời điểm vàng" để bứt phá
Diễn đàn Gặp gỡ các Trưởng làng Công nghệ Quốc gia vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022 là bước mở đầu trong việc tạo cầu nối để gặp gỡ, kết nối các Làng Công nghệ Quốc gia đến với tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự diễn đàn cho rằng, Thừa Thiên Huế cần tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để giải quyết hiệu quả bài toán các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và hiện nay đang là thời điểm vàng để triển khai trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra sâu rộng.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chương trình, chiến lược hành động đúng theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong khuôn khổ Đề án 844 về Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong triển khai Đề án Cố đô Khởi nghiệp, qua đó đã kết nối, hội tụ được các nguồn lực, các mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư đến Huế để phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Với sự quyết tâm, nỗ lực trong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự đạt danh hiệu là một trong ba địa phương tiêu biểu về xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) chia sẻ, Thừa Thiên Huế có nhiều điểm đặc biệt về văn hóa, tri thức, con người và đó là triết lý để xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần tập trung vào thế mạnh đó là nguồn nhân lực, đó là phần năng lượng tích cực nhất. Làm thế nào để đi biến những thế mạnh đó thành các sản phẩm mà thế giới phải khâm phục.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cần hình thành nên một hệ sinh thái hấp dẫn, thu hút được trí tuệ tài năng đến từ nhiều nơi khác nhau và đó chính là mô hình Làng Công nghệ với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế. "Các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng cường tương tác với nhau, đi vào chiều sâu, đi cùng nhau bằng những dự án rất cụ thể để tìm ra nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo cho Huế và cho vùng", ông Phạm Hồng Quất mong muốn.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Thừa Thiên Huế là địa phương dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động phát triển KHCN với những điều kiện và tiềm năng của Huế, đây là định hướng rất đúng và được hoạch định trong ý kiến chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm KH&CN lớn của cả nước.
Để cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN, trong đó xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một nội hàm quan trọng trong việc thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN. Qua Diễn đàn này, mong muốn các chuyên gia, các địa phương có những ý kiến đóng góp, những hướng đi cụ thể trong Đề án Cố đô Khởi nghiệp nhằm giúp Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian đến, ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.
Thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Huế
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến chuyển giao công nghệ và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Huế cần triển khai một số giải pháp như: Một là, hoàn thiện về chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư khi đến đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao, đủ khả năng tiếp thu công nghệ mới. Chủ động đào tạo lao động có tay nghề chất lượng cao để cung cấp, đón đầu các dự án FDI trọng điểm. Thúc đẩy mối liên kết đào tạo - sử dụng giữa doanh nghiệp FDI và cơ sở đào tạo bằng nhiều hình thức phù hợp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Ba là, hoàn thiện hệ thống hạ tầng các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế; đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để hình thành các Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tính sẵn sàng của nhà nước, đảm bảo tính pháp lý khi kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh nói chung cũng như các dự án FDI nói riêng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao để thu hút nhà đầu tư theo mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Đề xuất về các giải pháp hợp tác, liên kết với các Làng Công nghệ Quốc gia, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với quan điểm Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã "xoay trục" đặt doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động ứng dụng Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đặt ra các "bài toán" cần thiết các doanh nghiệp giải quyết bằng các mô hình công nghệ mới, từ đó kêu gọi các Làng Công nghệ, các startup công nghệ đến Huế khởi nghiệp để cung cấp các giải pháp, giải quyết các nhu cầu đặt ra.
Song song với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng mô hình điểm trong việc liên kết các Làng Công nghệ, lựa chọn các loại hình công nghệ ưu tiên, thành lập các Trưởng làng, đồng Trưởng làng Công nghệ tại Huế. Kiến tạo môi trường, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, các giải pháp công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế số tại Huế. Đồng thời tổ chức các Diễn đàn, Triển lãm kết nối cung cầu công nghệ TechConnect nhằm phát triển các mô hình kinh doanh có hàm lượng công nghệ cao, hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Qua Diễn đàn đã đánh giá được các thế mạnh, tiềm năng, cơ hội, thách thức và những giải pháp gợi mở cho Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm sao để có thể khai thác tối đa tiềm năng, kết nối hội tụ các nguồn lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là các nguồn lực đến từ các Làng Công nghệ Quốc gia để tạo ra nhiều giải pháp công nghệ mới phù hợp với địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cũng nhân dịp này, đã diễn ra buổi Lễ ra mắt Làng Công nghệ Quốc gia AI tại Huế và ra mắt các đồng Trưởng làng trên các lĩnh vực: Làng Công nghệ Tài chính, Làng Công nghệ Nghệ thuật sáng tạo, Làng Công nghệ Dược liệu sạch, Làng Công nghệ Du lịch và Ẩm thực, Làng Công nghệ Đô thị thông minh. Mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn đồng thời lan tỏa, góp phần đưa công nghệ AI từng bước ứng dụng vào cuộc sống.Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, tại sự kiện cũng đã diễn ra Lễ Ký kết hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam giai đoạn 2022-2027.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.